Kỳ vọng 'mã đáo thành công'
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại quần đảo Langkawi của Malaysia trong hai ngày 18 và 19/1. Ðây là hoạt động đánh dấu sự ra mắt chính thức của Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025, với chủ đề xuyên suốt là 'Bao trùm và Bền vững'.
Gồm 10 nước thành viên, "gia đình ASEAN" có dân số hơn 700 triệu người và diện tích khoảng 4,5 triệu km2. Là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, GDP của ASEAN đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ USD năm 2023. Với nền tảng đó, ASEAN có tiếng nói và vai trò ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào tháng 10/2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cảnh báo về thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn sự đoàn kết nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, bất ổn ở khu vực tiếp diễn phức tạp.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia cam kết sẽ "lèo lái" Hiệp hội hướng tới bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, tiếp tục củng cố vai trò trung tâm, tăng cường tin cậy chiến lược giữa các nước thành viên thông qua đối thoại và hợp tác thực chất, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Bảo đảm các thành tố "bao trùm" và "bền vững" giữ vị trí trung tâm trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Malaysia.
Thương mại nội khối hiện chỉ bằng một phần tư tổng kim ngạch thương mại giữa các nước thành viên Hiệp hội với các nền kinh tế lớn của thế giới. Bởi vậy, mục tiêu tăng gấp hai lần thương mại nội khối được Malaysia coi là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giúp tăng cường hợp tác kinh tế nội khối mà còn giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, tăng độ dẻo dai của nền kinh tế khu vực. Malaysia cũng sẽ thúc đẩy một trong những sáng kiến chủ chốt là Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA) nhằm góp phần nâng giá trị thị trường kinh tế số của khu vực lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Amran Mohamed Zin mới đây cho biết, nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN bao gồm không chỉ tổ chức các hội nghị cấp cao, mà còn có nhiều hoạt động và chương trình nhằm hướng đến nhiều thành phần trong xã hội. Tổng cộng 357 hoạt động được lên lịch, trong đó có 14 hội nghị cấp cao với sự tham dự của lãnh đạo, đại diện các quốc gia thành viên và đối tác. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 cùng với Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)-Trung Quốc diễn ra vào giữa năm nay, trong khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 47 sẽ được tổ chức vào cuối năm. Ðây đều là những hội nghị quan trọng nhằm đánh giá những thành tựu đạt được thời gian qua, đồng thời đề ra tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Hiệp hội với các đối tác trong thời gian tới.
Nước chủ nhà mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết về đất nước Malaysia, đồng thời tạo cơ hội cho các cộng đồng địa phương nâng cao nhận thức về ASEAN và hưởng lợi từ triển vọng hợp tác kinh doanh và du lịch. Các hoạt động của ASEAN trong năm nay dự kiến diễn ra tại Langkawi, bang Penang và nhiều địa điểm khác chính là cơ hội để Malaysia quảng bá hình ảnh đất nước. Dự kiến có tổng cộng 29 chương trình được thiết kế riêng nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), nông dân, thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em. Ngoài ra, còn có các chương trình như Diễn đàn ASEAN+3 nhằm trao quyền cho phụ nữ nông thôn, Hội nghị cấp cao thanh niên ASEAN, Triển lãm Halal quốc tế Malaysia... Theo Tổng Thư ký Amran Mohamed Zin, các hoạt động và chương trình đã được lên kế hoạch phù hợp tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, theo đúng chủ đề "Bao trùm và Bền vững".
Malaysia từng đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và tổ chức các hội nghị cấp cao của Hiệp hội vào các năm 1977, 1997, 2005 và 2015. Việc Malaysia đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN lần này được kỳ vọng sẽ "mã đáo thành công", dẫn dắt Hiệp hội nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức, đáp ứng mong đợi và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước thành viên.