Kỳ vọng giá giấy tăng trở lại, Đông Hải Bến Tre (DHC) chốt tạm ứng cổ tức tiền mặt

Lợi nhuận của Công ty Đông Hải Bến Tre (mã cổ phiếu DHC) dự kiến phục hồi tích cực trong năm nay khi sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán các loại giấy bao bì tăng tốc.

Tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền mặt

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã cổ phiếu DHC - sàn HoSE) vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu DHC sẽ được nhận 1.000 đồng cổ tức tạm ứng.

Với gần 80,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp giấy bao bì này sẽ cần chi xấp xỉ 80,5 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Thời gian thanh toán là vào ngày 9/4.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Đông Hải Bến Tre đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc tiền mặt theo tỷ lệ từ 20% trở lên. Nếu công ty thực hiện đúng kế hoạch, cổ đông có thể nhận thêm ít nhất một đợt cổ tức năm 2024 trong thời gian tới.

Về mảng bao bì, Đông Hải Bến Tre đang đứng đầu thị phần tại Tây Nam Bộ với tệp khách hàng chính là các doanh nghiệp thủy sản (chiếm tới 40% doanh thu mảng bao bì), may mặc, và dược phẩm.

Về mảng bao bì, Đông Hải Bến Tre đang đứng đầu thị phần tại Tây Nam Bộ với tệp khách hàng chính là các doanh nghiệp thủy sản (chiếm tới 40% doanh thu mảng bao bì), may mặc, và dược phẩm.

Đông Hải Bến Tre có lịch sử chia cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm cho cổ đông. Trong năm 2023, công ty đã chia 02 đợt chia cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 20% cho cổ đông. Trước đó, vào năm 2022, công ty cũng thực hiện tới 04 đợt chia cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 30%.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2024, Đông Hải Bến Tre ghi nhận 3.596 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 10% so với năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 21%, còn 242 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng, trong khi sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán giấy đầu ra giữ ổn định. Với kết quả này, công ty chỉ thực hiện được 81% kế hoạch lãi nhưng vượt 10% chỉ tiêu doanh thu cả năm.

Kỳ vọng giá giấy bao bì phục hồi

Giá giấy OCC trung bình nhập khẩu khu vực Đông Nam Á (CIF, đến các cảng chính). (Nguồn: Hiệp Hội Giấy Và Bột Giấy Việt Nam, Chứng khoán KB Securities Vietnam)

Giá giấy OCC trung bình nhập khẩu khu vực Đông Nam Á (CIF, đến các cảng chính). (Nguồn: Hiệp Hội Giấy Và Bột Giấy Việt Nam, Chứng khoán KB Securities Vietnam)

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), lợi nhuận của Đông Hải Bến Tre dự kiến sẽ phục hồi tích cực trong năm 2025 trong bối cảnh giá giấy tái chế thu hồi (OCC) nhập khẩu tại khu vực Đông Nam Á đang dần đi ngang và giá giấy bán đầu ra có tín hiệu nhích tăng.

Cụ thể, giá giấy OCC hiện chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của Đông Hải Bến Tre. Trong đó, nguồn cung giấy của công ty chủ yếu đến từ khu vực Mỹ, EU, và Nhật Bản (chiếm gần 60% tổng nhu cầu) nên cước phí vận tải biến tác động đáng kể tới chi phí của công ty. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt sau khi tạo đỉnh vào tháng 7/2024 và được Chứng khoán KB Securities Vietnam nhận định sẽ duy trì ổn định, thậm chí có thể giảm trong nửa cuối năm 2025.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay khi tiêu dùng nội địa tăng tốc trở lại tới khi tâm lý tiêu dùng dần phục hồi, song song với mức tăng trưởng kinh tế cao.

Hiện Chính phủ đặt quyết tâm lớn và nỗ lực khai thông các nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay, Qua đó, tạo điều kiện cho thu nhập, chi tiêu của người dân được cải thiện, kéo theo nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu về giấy bao bì. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước đạt 573.300 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%).

Giá giấy xuất khẩu tại thị trường Việt Nam. (Nguồn: Hiệp Hội Giấy Và Bột Giấy Việt Nam, Chứng khoán KB Securities Vietnam)

Giá giấy xuất khẩu tại thị trường Việt Nam. (Nguồn: Hiệp Hội Giấy Và Bột Giấy Việt Nam, Chứng khoán KB Securities Vietnam)

Bên cạnh đó, tệp khách hàng chính của Đông Hải Bến Tre là các doanh nghiệp thủy sản (chiếm tới 40% doanh thu mảng bao bì) và may mặc tại khu vực Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long đang ghi nhận đơn hàng tăng trưởng dần đều trong những tháng gần đây, mở ra triển vọng gia tăng nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì.

Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của Đông Hải Bến Tre còn đến từ việc Nhà máy Giao Long 3 với công suất 1.000 tấn giấy các loại/ngày dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào cuối quý 1/2025 và đi vào vận hành từ quý 1/2027. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất của công ty dự kiến tăng hơn 110%.

Đặc biệt, Nhà máy Giao Long 3 sẽ sản xuất dòng sản phẩm mới là Kraftliner. Loại giấy bao bì này có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tới 30% so với các dòng sản phẩm hiện tại của Đông Hải Bến Tre, theo ước tính của Chứng khoán KB Securities Vietnam.

Với các đặc tính vượt trội, Kraftliner sẽ giúp Đông Hải Bến Tre đáp ứng nhu cầu của các khách hàng có mặt hàng xuất khẩu giá trị cao, đòi hỏi bao bì cao cấp như thiết bị điện tử, dược phẩm, linh kiện ô tô...

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ky-vong-gia-giay-tang-tro-lai--dong-hai-ben-tre--dhc--chot-tam-ung-co-tuc-tien-mat-133408.htm
Zalo