Kỳ vọng đưa đất nước trở lại thời kỳ thịnh vượng
Ông José Rául Mulino, người thay thế cựu Tổng thống Ricardo Martinelli để tham gia tranh cử vào phút chót trong cuộc bầu cử Tổng thống Panama, đang trên đường trở thành nhà lãnh đạo mới của quốc gia Trung Mỹ. Các cử tri kỳ vọng ông Mulino, người từng là phó tướng cho ông Martinelli, sẽ đưa đất nước trở lại thời kỳ thịnh vượng mà ông Martinelli làm Tổng thống.
Xuất phát muộn về đích sớm
Theo Washington Post, với hơn 92% số phiếu được kiểm vào sáng ngày 6.5, Tòa án Bầu cử quốc gia Trung Mỹ cho biết, ông Mulino, 64 tuổi, đã giành chiến thắng trong cuộc đua nhờ giành được 35% số phiếu bầu, dẫn trước đối thủ cạnh tranh gần nhất 9 điểm.
Ông José Rául Mulino từng giữ chức Bộ trưởng Chính phủ và Tư pháp từ năm 2009 đến năm 2010; Bộ trưởng Bộ An ninh từ năm 2010 đến năm 2014, cả hai nhiệm kỳ đều trong Chính phủ của cựu Tổng thống Martinelli. Ông cũng từng là Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ của cựu Tổng thống Guillermo Endara. Từ năm 1994 đến năm 1995, ông là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Quốc gia và Thẩm phán sự của Tòa án Tư pháp Tối cao.
Trong cuộc tổng tuyển cử 2024, ông Mulino là ứng cử viên phó tổng thống của ông Martinelli (72 tuổi), người luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Tuy nhiên, ngày 5.3, Tòa án Bầu cử Panama tuyên bố đã loại chính trị gia kỳ cựu này khỏi danh sách ứng cử viên tranh cử do ông có liên quan đến vụ án hối lộ của Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil cũng như bị phán quyết mức án 10 năm tù. Tòa án Bầu cử sau đó đồng ý để ông José Rául Mulino thay thế ông Ricardo Martinelli tham gia tranh cử.
Ông Mulino cho biết, ông đã nhận được kết quả bầu cử với "trách nhiệm và sự khiêm tốn". Ông nói với những người ủng hộ: “đây có lẽ là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời tôi và trách nhiệm lớn nhất của người dân Panama đặt lên vai tôi là lãnh đạo vận mệnh của đất nước”; đồng thời khẳng định kết quả bỏ phiếu đại diện cho “ý chí đa số của người dân Panama”.
Theo luật bầu cử của Panama, người giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử một vòng duy nhất sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông Mulino vẫn phải chờ kết quả chính thức sẽ được Tòa án Bầu cử xác nhận vào ngày 10.5. Nhiệm kỳ của ông Mulino sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1.7.
Theo AFP, văn phòng của Tổng thống sắp mãn nhiệm Laurentino Cortizo cho biết, ông đã gọi điện cho ông Mulino gửi lời chúc mừng và cam kết hợp tác để có một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự.
Luật pháp Panama không cho phép tổng thống đương nhiệm được tranh cử nhiệm kỳ lần thứ 2 liên tiếp, nhưng cho phép các cựu tổng thống khác chưa cầm quyền tới 2 nhiệm kỳ được tham gia tranh cử.
Thách thức thay đổi
Tân Tổng thống sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong tương lai, bao gồm một nền kinh tế trì trệ, mức độ di cư lịch sử, hạn hán đang cản trở việc vận chuyển qua Kênh đào Panama, hệ thống quỹ hưu trí gặp khó khăn, mức nợ công cao và tổn thất thu nhập sau khi phải đóng cửa khu mỏ quan trọng.
Năm ngoái, quốc gia Trung Mỹ này đã bị rung chuyển trong nhiều tuần bởi các cuộc biểu tình chống Chính phủ rầm rộ, thể hiện sự bất mãn sâu sắc của người dân. Các cuộc biểu tình nhắm vào một hợp đồng của Chính phủ với một khu mỏ khai thác đồng, mà các nhà phê bình cho rằng dự án này gây nguy hiểm cho môi trường và nguồn nước vào thời điểm hạn hán trở nên tồi tệ đến mức nó đã cản trở hoạt động thương mại qua Kênh đào Panama.
Trong khi nhiều người ăn mừng vào tháng 11 năm ngoái khi Tòa án Tối cao của đất nước tuyên bố hợp đồng này là vi Hiến, thì việc đóng cửa khu mỏ và cắt giảm tuyến đường vận chuyển qua kênh đào sẽ khiến nhà lãnh đạo mới của Panama rơi vào tình thế khó khăn do khu mỏ này vốn chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khi đó, nợ của đất nước đang tăng vọt và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Ông Michael Shifter, thành viên cấp cao của Tổ chức Đối thoại Liên Mỹ nhận xét: “Panama đang ở một thời điểm rất khác so với 30 năm qua. Mulino sẽ phải đối mặt với những trở ngại ghê gớm. Ý tôi là, đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn vô cùng”.
Ngoài các thách thức kinh tế, ông Mulino sẽ phải đối mặt với những vấn đề đau đầu khác trong đó có tình trạng vượt biên không giấy phép qua Darien Gap, nơi giáp giữa Panama và Colombia. Hơn một nửa triệu người di cư không có giấy tờ đã vượt biên qua khu vực rừng rậm nguy hiểm này. Trong chiến dịch tranh cử, ông Mulino đã cam kết sẽ mở ra các tuyến đường chính thức khác tạo điều kiện cho người nhập cư và kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Tham nhũng đã trở thành một vấn đề nóng bỏng đối với cử tri. Phương tiện truyền thông địa phương gần đây đã đưa tin về các khoản vay và học bổng hào phóng dành cho con cái của các chính trị gia và các gia đình giàu có, danh tiếng. "Panama phải thay đổi. Tham nhũng quá nghiêm trọng và ở khắp mọi nơi", một cử tri là giáo viên 50 tuổi Jennifer Navarro bày tỏ với Washington Post.
Mặc dù cam kết sẽ mạnh tay với tham nhũng, song ông Mulino, người từng giữ hai chức bộ trưởng dưới thời cựu Tổng thống Martinelli, đã bác bỏ vụ án hình sự chống lại ông Martinelli và tuyên bố vụ án có động cơ chính trị. Với vị trí Tổng thống, ông Mulino giờ đây sẽ có quyền ân xá cho ông Martinelli, người vừa bị phán quyết 10 năm tù.
Các cuộc thăm dò cho thấy mối quan tâm lớn nhất của cử tri là làm sao cải thiện tình trạng chi phí sinh hoạt cao, khả năng tiếp cận nước uống và tỷ lệ tội phạm gia tăng. Những người dân bỏ phiếu cho ông Mulino, vị phó tướng của ông Martinelli, đều mong mỏi quốc gia có thể quay trở lại những tháng ngày kinh tế thịnh vượng dưới thời Chính phủ Martinelli từ năm 2009 đến năm 2014, được hỗ trợ bởi sự bùng nổ kết cấu hạ tầng bao gồm việc mở rộng kênh đào và xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở Trung Mỹ.
Khoảng 45% việc làm ở Panama hiện nay là ở thị trường không chính thức, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 10% và tình trạng bất bình đẳng thu nhập cao.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm mạnh từ mức 7,3% vào năm 2023 xuống còn 2,5% trong năm nay. Một phần lý do là Kênh đào Panama, nơi vận chuyển khoảng 6% thương mại hàng hải của thế giới, đã hạn chế giao thông trong bối cảnh hạn hán khiến mực nước xuống thấp.
Người dân xếp hàng dài tại nhiều điểm bỏ phiếu. Kết quả sơ bộ cho thấy hơn 77% cử tri đủ điều kiện của quốc gia 4,4 triệu dân này đã đi bỏ phiếu, một con số lịch sử ở một quốc gia mà bỏ phiếu không phải nghĩa vụ bắt buộc. Điều này cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có tầm quan trọng đặc biệt đối với người dân. Ngoài tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống, cử tri cũng bầu Quốc hội và chính quyền địa phương khóa mới.