Kỳ vọng đột phá từ thị trường chứng khoán

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành chứng khoán trong năm 2025 là nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thực hiện thành công mục tiêu này, Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận hàng tỷ đô la đầu tư từ các thị trường nước ngoài qua kênh chứng khoán.

Kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, TTCK mặc dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và TTCK quốc tế nhưng vẫn hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước. Trong đó, chỉ số VNIndex đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.080.260 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm trước, tương đương 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 với 720 mã cổ phiếu niêm yết và 886 cổ phiếu đăng ký giao dịch; giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước. Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10.000 tỷ đồng vốn qua TTCK, khẳng định TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai những chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, cũng như đáp ứng các tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong tháng 11-2024, Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18-9-2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành. Thông tư này đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư quốc tế, quy định nhiều nội dung mới về giao dịch chứng khoán, thanh toán, bù trừ chứng khoán, hoạt động của các công ty chứng khoán và việc công bố thông tin. Đồng thời, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng đã ban hành mới các quy chế liên quan về thành viên lưu ký tại VSDC, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSDC, hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại VSDC.

 Khách hàng quan sát sự biến động chỉ số chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: VIỆT ANH

Khách hàng quan sát sự biến động chỉ số chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: VIỆT ANH

Bà Wanming Du, Trưởng bộ phận chính sách chỉ số FTSE Russell (công ty độc lập và có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu, trụ sở tại Anh), khẳng định: FTSE Russel sẽ tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như chia sẻ thông tin, cách thức giao dịch của các khách hàng thuộc FTSE Russell tại các thị trường mới nổi.

Nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Về triển vọng trong thời gian tới, đại diện Morgan Stanley (công ty chuyên phân tích thị trường tài chính, có trụ sở tại Mỹ), cho rằng, trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, năm 2025 thực sự mang lại cảm nhận là một năm đánh dấu cho sự khởi đầu của kỷ nguyên mới đối với Việt Nam. Ở trong nước, nỗ lực cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy điều hành nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang thay đổi, Việt Nam đã sẵn sàng nâng cao vị thế cạnh tranh chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về mặt đầu tư, MBS cho rằng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tố tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh sẽ là nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của TTCK trong năm 2025. MBS ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt 18-19% giai đoạn 2025-2026 đóng góp bởi sự ổn định của ngành ngân hàng, bán lẻ, cũng như từ việc phục hồi từ đáy của ngành bất động sản, xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi. Tổng hợp các yếu tố cơ hội và rủi ro, MBS dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.400-1.420 điểm trong năm 2025, dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường 18% và P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trong khoảng 12,5-13.

Bước sang năm 2025, ngành chứng khoán xác định nỗ lực không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Bảo đảm tổ chức vận hành TTCK liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để bảo đảm sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư...

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ky-vong-dot-pha-tu-thi-truong-chung-khoan-814625
Zalo