Kỳ vọng đối với Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo (AI)

Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) kéo dài trong hai ngày, bắt đầu từ hôm nay (10/2), diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp. Tham dự hội nghị có nguyên thủ các nước, người đứng đầu chính phủ và quan chức cấp cao từ khoảng 100 quốc gia cùng các nhà lãnh đạo ngành công nghệ toàn cầu.

Đáng chú ý, trong số các nhà lãnh đạo cấp cao tham gia đồng chủ trì hội nghị có Phó Tổng thống Mỹ James David Vance và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing).

Trong bối cảnh sự cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt và những lo ngại về các rủi ro mà công nghệ này gây ra, các nước kỳ vọng gì ở Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo diễn ra ở Pháp?

Pháp muốn thông qua Hội nghị thượng đỉnh về AI lần này để khẳng định vị thế của mình về trí tuệ nhân tạo trên trường quốc tế. Ảnh: Toute l'Europe

Pháp muốn thông qua Hội nghị thượng đỉnh về AI lần này để khẳng định vị thế của mình về trí tuệ nhân tạo trên trường quốc tế. Ảnh: Toute l'Europe

“Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI” nói lên điều gì?

Sau Hội nghị thượng đỉnh về an toàn trí tuệ nhân tạo diễn ra tại Bletchley Park và Seoul, Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cố gắng nỗ lực để xác định và giải quyết các rủi ro liên quan đến AI. An toàn và bảo mật là những yếu tố mà phía Pháp cho rằng sẽ quyết định sự tin cậy của công nghệ AI.

Trên cơ sở ấy, Pháp đã nhanh chóng công bố tham vọng tổ chức hội nghị tiếp theo tại Paris. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục sử dụng cụm từ “an toàn”, Pháp đã thay thế bằng cụm từ “hành động” để đặt tên cho Hội nghị thượng đỉnh với mục tiêu mở rộng sang các chương trình nghị sự hướng tới tăng trưởng, tập trung thảo luận các chủ đề ngoài các mối quan tâm về sự an toàn.

Với những diễn biến mới liên quan đến phát triển của công nghệ AI trong vài năm trở lại đây, Paris cho rằng AI đã và đang đóng một vai trò then chốt trong việc định hình tương lai. Trí tuệ nhân tạo không chỉ là một cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ, AI đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong xã hội, trong mối quan hệ của mọi người với kiến thức, công việc, thông tin, văn hóa và thậm chí cả ngôn ngữ.

Theo nghĩa này, AI là vấn đề khoa học, kinh tế, văn hóa, chính trị và dân sự đòi hỏi phải có sự đối thoại chặt chẽ giữa các quốc gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà sáng tạo... Điều này sẽ giúp xã hội thích nghi và chuẩn bị chung cho những thay đổi do AI mang lại.

Ngoài ra, Pháp cũng nhận thấy rằng các thay đổi đến từ AI, nổi bật nhất là sự ra mắt của Deepseek R1, mô hình AI mã nguồn mở khiến thị trường chứng khoán chao đảo trong vài tuần trở lại đây, tiềm tàng nhiều khả năng cũng như rủi ro đối với vấn đề kinh tế, xã hội, thậm chí là chính trị.

Chính vì vậy, Paris đã thay cụm từ “an toàn” bằng “hành động” để nhấn mạnh mức độ quan trọng của AI. Pháp, đại diện cho EU và các đối tác, mong muốn truyền tại thông điệp sẵn sàng chấp nhận AI, từ tiềm năng cho đến nguy cơ và sẽ biến công nghệ này thành công nghệ chủ chốt của châu Âu trong nhiều thập kỷ tới, tạo ra cơ hội cũng như khả năng cạnh tranh với những ông lớn về AI trên thế giới như Mỹ hay là Trung Quốc.

Đề xuất của phía Mỹ

Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có một chiến lược cụ thể về phát triển và quản lý AI mặc dù ngay sau khi nhậm chức ông Trump đã ký một sắc lệnh với mục đích đảm bảo sự thống trị về sáng tạo công nghệ AI của Mỹ trên thế giới.

Theo sắc lệnh này, đội ngũ cố vấn của ông Trump sẽ phải đưa ra một kế hoạch hành động AI trong vòng 180 ngày qua đó xác định các hành động chính sách ưu tiên nhằm nâng cao vị thế của Mỹ trong lĩnh vực AI đồng thời tránh các yêu cầu không cần thiết cho sự phát triển của lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, tới thời điểm này chưa có chi tiết cụ thể nào được đưa ra và Nhà Trắng hiện đang khuyến khích người dân Mỹ đóng góp ý kiến cho bản kế hoạch này.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên và đi đầu trong việc kêu gọi thế giới quản lý AI. Nghị quyết do Mỹ giới thiệu về bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do AI gây ra năm 2024 đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và đây là nghị quyết đầu tiên của Liên Hợp Quốc về AI.

Nghị quyết đặt mục tiêu thúc đẩy các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy để mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững cho cộng đồng. Đây là sáng kiến mới nhất của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng nguy cơ gian lận, mất việc làm nghiêm trọng cùng nhiều hệ lụy khác.

Theo nghị quyết, việc phát triển và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng hoặc có ác ý có thể gây ra những rủi ro có thể làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Tổng thống Biden cuối năm 2024 cũng ký bản ghi nhớ giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia do trí tuệ nhân tạo. Theo bản ghi nhớ, các cơ quan an ninh Mỹ sẽ theo dõi, đánh giá và giảm thiểu các rủi ro liên quan AI như xâm phạm quyền riêng tư, thiên vị và phân biệt đối xử, an toàn của cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh để đảm bảo AI được phát triển và sử dụng theo đúng luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, đây là di sản của chính quyền Tổng thống Biden và chính quyền hiện tại của Tổng thống Donald Trump chưa chắc sẽ duy trì cách tiếp cận này chưa kể là còn đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm như với sắc lệnh về AI vừa qua.

Có một số yếu tố sẽ ảnh hưởng tới cách tiếp cận AI của chính quyền Tổng thống Trump. Thứ nhất đó là chính sách nước Mỹ trước hết của Tổng thống Trump. Thứ hai, xung quanh Tổng thống Trump là một loạt các tỷ phủ công nghệ, do đó, chính sách của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận của các chủ doanh nghiệp hơn là các cơ quan quản lý liên bang truyền thống. Với sự xuất hiện của ông Trump và các tỷ phú công nghệ, các quy định về AI có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng khuyến khích đổi mới hơn là siết chặt kiểm soát.

Pháp mong chờ gì từ hội nghị về AI lần này?

Một trong những mục tiêu lớn của Pháp tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, là việc thành công giám sát sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ mà không xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Nền tảng của chiến lược này là Đạo luật AI (Artificial Intelligence Act), một đạo luật tiên phong được thông qua vào năm 2024, phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro của chúng (bị cấm, rủi ro cao, rủi ro hạn chế và rủi ro tối thiểu). Paris hy vọng có được sự ủng hộ của đại đa số các quốc gia tham dự để thông qua và áp dụng đạo luật về AI của châu Âu ở mức độ toàn cầu. Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong cấu trúc của hội nghị khi Ấn Ðộ đóng vai trò đồng chủ tịch hội nghị để nâng cao vai trò của các quốc gia mới nổi trong việc định hình các sáng kiến AI trong tương lai.

Ngoài ra, việc đổi tên Hội nghị từ “an toàn” sang “hành động” phản ánh một cách tiếp cận có chủ đích và chiến lược để khẳng định vị thế của Paris trên trường quốc tế. Theo tổ chức nghiên cứu của Đức “Trung tâm Mạng lưới Chính sách Châu Âu” có trụ sở tại Freiburg, một quỹ trị giá 2,5 tỷ euro dành cho mô hình AI mã nguồn mở sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận.

Đây cũng là nỗ lực của Paris nhằm giảm sự phụ thuộc của Pháp vào các cường quốc lớn trong khi tăng cường uy tín của nước này với các đối tác châu Âu. Pháp mong muốn chuyển dời các trung tâm nghiên cứu AI, từ Mỹ và Trung Quốc tập trung sang châu Âu, qua đó thu hút các nhân tài và tạo ra sự cân bằng mới, mở ra cơ hội hợp tác và khả năng cạnh tranh với những ông lớn về AI như Meta, Amazon, Alphabet và Microsoft…

Tóm lại, Pháp muốn thông qua Hội nghị lần này để khẳng định vị thế của mình về AI trên trường quốc tế. Đồng thời, Paris hy vọng có thể cùng các quốc gia mới nổi áp đặt một khung pháp lý cho các nền tảng trí tuệ nhân tạo ở mức độ toàn cầu cũng như tạo ra một “sân chơi mới” cho phần còn lại của thế giới, mở ra cơ hội kiểm soát và cạnh trạnh với các ông lớn về AI của Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy bỏ đạo luật kiểm soát AI của chính quyền tiền nhiệm, qua đó thúc đẩy cuộc chạy đua AI toàn cầu với những rủi ro khó lường.

Phạm Huân/VOV-Washington, Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ky-vong-doi-voi-hoi-nghi-thuong-dinh-hanh-dong-ve-tri-tue-nhan-tao-ai-post1153706.vov
Zalo