Kỳ vọng cơ chế ưu đãi vượt trội thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 9/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số. Một trong những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số. Đây là lĩnh vực mới nhưng có tốc độ phát triển vượt trội và ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy con người làm trung tâm trong thời đại số
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan. Dự thảo luật cơ bản hoàn thiện, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung quy định về quản lý rủi ro AI, phân loại hệ thống theo mức độ rủi ro và giao Chính phủ quy định chi tiết. Dự thảo cũng đã bổ sung nội dung về Chiến lược nghiên cứu và phát triển AI quốc gia, tiếp cận theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy con người làm trung tâm.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, liên quan đến việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, dự thảo luật đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57- NQ/TW, với nhiều cơ chế ưu đãi, như: Ưu đãi vượt trội cho những dự án đặc biệt; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số; ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam… Đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị cân nhắc, giao Chính phủ nghiên cứu quy định để có thêm những chính sách ưu đãi vượt trội hơn, đối với cơ sở giáo dục, đào tạo trong hoạt động đào tạo về công nghệ số, đảm bảo tính khả thi và thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, nghiên cứu. Cần có cơ chế phù hợp, tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tốt hơn nữa trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Tham gia thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, dự thảo luật đã thiết lập những khuôn khổ pháp lý mang tính toàn diện về công nghiệp công nghệ số và góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần có thêm chính sách theo hướng thúc đẩy liên kết giữa công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử. Vì đây là nền tảng cốt lõi của các sản phẩm điện tử hiện nay. Việc xây dựng cơ chế phối hợp, sản xuất, chuyển giao của hai ngành này sẽ phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần phát triển ngành công nghiệp số bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định theo hướng nguyên tắc: các hệ thống AI có rủi ro cao hoặc tác động rộng lớn trước khi triển khai chính thức phải được đánh giá và thẩm định bởi các tổ chức kiểm định độc lập được nhà nước chỉ định, công nhận. Vì theo đại biểu, điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp và người dân yên tâm ứng dụng AI trong đời sống và sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế số và xã hội số như hiện nay.
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số

Đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Nêu ý kiến về chính sách đối với phát triển ngành công nghệ số, đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, dự thảo về Luật Công nghiệp công nghệ số đã có nhiều chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành này tại Việt Nam. Để Việt Nam đi sau nhưng không đi trễ, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần thiết phải có các chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp số. Đây chính là tiền đề để phát triển ngành. Việc ưu đãi chính sách này không chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước mà còn cần có các chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Trong dự thảo Luật cần đẩy mạnh các ưu đãi, đặc biệt là về thuế, một cách cụ thể, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, hướng tới mục tiêu Việt Nam làm chủ công nghệ bán dẫn.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Bày tỏ sự đồng tình với nhiều điều khoản trong dự thảo Luật, tuy nhiên Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, đây là một Luật với nhiều quy định rất mới nhưng đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực tiễn đặt ra lâu nay. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ về vấn đề tài sản số trong Luật này là 3 nhóm tài sản số gồm: tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác. Bởi đây là loại tài sản đặc thù, trên môi trường mạng, ứng dụng công nghệ số nên không thể nói như tài sản chung chung. Nếu không có tiêu chí, thì sẽ rất khó phân loại, phân biệt, cũng như quản lý, giao dịch trong thực tế. Cụ thể, theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, đối với tài sản ảo, dự thảo lấy tiêu chí có thể dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư để phân biệt với các tài sản số khác là chưa thuyết phục và khi thực thi sẽ gặp khó khăn. Việc phân loại nhằm đưa ra cơ chế quản lý khác nhau, kể cả quá trình tạo ra cũng như giao dịch tài sản này.
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất cần có cơ chế kiểm soát chất lượng nhân lực công nghệ số và tiêu chí rõ ràng trong đầu tư khu công nghệ số tập trung, nhằm tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, dự thảo Luật cần phải bổ sung quy trình, tiêu chí và thẩm quyền phê duyệt việc chuyển giao các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số bị hạn chế, vì liên quan trực tiếp đến quyền tài sản và có thể tác động lớn đến doanh nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mong muốn tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và để đạt được 4 mục tiêu: Trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp xứng đáng vào kinh tế đất nước; hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch được từ lắp ráp, gia công sang khâu chất lượng cao hơn là sáng tạo, thiết kế, tiến dần làm chủ công nghệ lõi; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, đồng bộ; thu hút, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này. Với các ý kiến phản biện của các đại biểu, Chính phủ, cơ quan soạn thảo sẽ cùng với cơ quan thẩm tra, nghiên cứu và tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng tốt nhất, để dự thảo luật có thể được thông qua tại kỳ họp này.