Ký ức 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' in đậm trong tim người lính Trường Sơn

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và những chiến công hiển hách của Bộ đội Trường Sơn mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những chiến sỹ Trường Sơn năm xưa, ký ức về một thời bom đạn anh dũng, hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” không bao giờ phai mờ. Nó luôn trong tim, là nguồn cổ vũ họ ra sức dựng xây quê hương, bản làng. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV VOV đã gặp gỡ và ghi lại cảm xúc của thương binh Lê Hồng Đĩnh, cựu chiến binh Trường Sơn thuộc đoàn quân tiên phong 308 năm xưa, hiện đang sống tại thành phố Sơn La.

Ông Lê Hồng Đĩnh (ảnh trái) và những người lính Trường Sơn thường xuyên thăm hỏi, động viên, bàn cách giúp đỡ đồng đội còn khó khăn

Ông Lê Hồng Đĩnh (ảnh trái) và những người lính Trường Sơn thường xuyên thăm hỏi, động viên, bàn cách giúp đỡ đồng đội còn khó khăn

Từ xã nhà Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, năm 1967, sau khi tốt nghiệp lớp 10, theo lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác Hồ, ông Đĩnh viết đơn nhập ngũ và được biên chế về Sư đoàn Bộ binh chủ lực 308 huấn luyện chiến đấu tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Mùng 4 Tết năm Mậu Thân 1968, đoàn quân tiên phong 308 mở cuộc trường chinh xẻ dọc Trường Sơn vào nam cứu nước.

Ông và đồng đội mỗi người chỉ một ba lô nặng 35-38 kg gồm gạo, súng, cuống xẻng, thuốc men hành quân bộ mỗi ngày mấy chục cây số không biết mệt, chỉ với quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lược. Sau gần 4 tháng hành quân gian khổ, Tiểu đoàn 320 đã vào đến thành Quảng Trị. Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vị trí ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt đất nước ta từ sau Hiệp định Genève. Trong cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 thì Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn. Với thắng lợi này thì chúng ta đã buộc Mỹ - ngụy phải chấp nhận những điều khoản do chúng ta đề xuất trên bàn đàm phán Paris và thành cổ Quảng Trị là mục tiêu Mỹ - ngụy ra sức tái chiếm nhằm giành được lợi thế ở Hội nghị Paris.

Ông Lê Hồng Đĩnh hồi tưởng: “Đầu tiên Mỹ-ngụy tấn công bằng pháo mặt đất cày xới lên, đánh bộ đội ta từ trên mặt đất phải xuống lòng đất trú ẩn. Sau đó, chúng lại cho máy bay ném bom phá hủy các hầm, thả chất độc da cam, bom na pan để đốt cháy mọi sự sống của con người trên mặt đất”.

Năm 1972, Mỹ lại tập trung dồn hỏa lực, biến Quảng Trị thành lò lửa, cuộc chiến đấu giữa ta và địch vô cùng ác liệt. Ông Đĩnh nhớ nhất ngày 15.4.1972, Mỹ pháo kích, ném bom như mưa đánh phá thành Quảng Trị và hầm của bộ đội ta. Tiểu đoàn 320 của ông Đĩnh chia làm các mũi chiến đấu quyết liệt từ 4h sáng đến 15h chiều, dù lực lượng thương vong, nhiều người đã hy sinh, nhưng bộ đội ta vẫn quyết giữ được thành Quảng Trị đến hơi thở cuối cùng. Trận này, ông Đĩnh bị thương nặng và vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chỉ đạo con cháu phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội

Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chỉ đạo con cháu phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội

Ông Đĩnh kể lại: “Sau khi chiến đấu suốt từ 4h sáng đến 3 giờ chiều, khói đạn còn bốc khói nghi ngút trên mặt đất, quân Mỹ thì tan tác phải bỏ chạy rồi. Lúc bấy giờ, đồng chí chính trị viên đại đội lên đứng ngay ở cửa hầm tuyên bố: Đồng chí Lê Hồng Đĩnh từ nay đã trở thành đảng viên. Tôi sung sướng quá, cảm động quá, ôm lấy lưng đồng chí đó mà khóc. Đó là mốc thời gian tôi nhớ mãi, không bao giờ quên”.

Sau năm 1972, ông Đĩnh cùng đơn vị tiếp tục hành quân chi viện cho chiến trường Thừa Thiên Huế cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền nam 1975. Phục vụ trong quân ngũ đến 1979, ông Lê Hồng Đĩnh chuyển ngành về công tác tại Sở Giao thông - Vận tải Sơn La và nghỉ chế chế độ năm 1990.

Là lính Trường Sơn vào sinh ra tử trận mạc, về đời thường, ông Đĩnh vô cùng trăn trở khi thấy cuộc sống của bản thân mình và nhiều đồng đội còn nhiều khó khăn. Với tinh thần người lính, năm 1994, ông bàn với một số đồng đội cũ góp vốn thành lập tổ hợp tác Vận tải Thương binh 30/4 chuyên về vận tải xe khách, tạo công ăn việc làm cho nhiều thương binh và con em của họ.

Từ số vốn ban đầu tính bằng tiền triệu, sau hơn 20 năm, hợp tác xã-nay là Công ty cổ phần Thương binh 30/4 đã có vốn hoạt động hàng trăm tỷ đồng, bố trí việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50 lao động. Theo ông Dương Xuân Trường, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La, ông Lê Hồng Đĩnh dù đến nay không tham gia hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, của hội, đau đáu nghĩa tình đồng đội và quê hương bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Ông Dương Xuân Trường nói: “Anh Đĩnh luôn luôn là một tấm gương của anh em bộ đội Trường Sơn chúng tôi. Cả hội Trường Sơn mấy trăm người nói đến anh Đĩnh là rất tôn trọng. Anh rất kiên cường trong chiến đấu, nhưng rất thông minh trong công việc, làm ăn, kinh doanh ở địa phương. Chúng tôi luôn cùng nhau xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới nơi cư trú”.

77 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi đảng, thương binh hạng II Lê Hồng Đĩnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Sơn La”, Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen các cấp. Với ông: Được trở thành người lính Trường Sơn mãi là niềm tự hào cháy bỏng trong tim.

Bích Thủy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ky-uc-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-in-dam-trong-tim-nguoi-linh-truong-son-post1193471.vov
Zalo