Ký ức về những 'Ngôi sao châu Á'

Lịch sử bóng đá Việt Nam trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh có những cầu thủ từng khoác áo đội hình 'Ngôi sao châu Á' như Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang...

Nếu Đỗ Thới Vinh từng được ví là quái kiệt với lối đi bóng lắt léo, thông minh và dí dỏm cả ngoài đời lẫn trên sân bóng thì Nguyễn Ngọc Thanh thuộc dạng cần cù dẻo dai. Dù đá đội tuyển miền Nam Việt Nam hay đội tuyển châu Á, ông Thanh luôn được ví là buồng phổi của đội bởi khả năng cày ải ở giữa sân, hoạt động không mỏi mệt.

Nhưng trong thành phần các cầu thủ Việt Nam chơi trong đội hình “Ngôi sao châu Á” có hai nhân vật gắn với tôi nhiều kỷ niệm là Phạm Văn Rạng và Phạm Huỳnh Tam Lang.

(st) Cuộc gặp gỡ của hai cầu thủ khoác áo “Ngôi sao châu Á"

 Thủ môn Phạm Văn Rạng đến Nhật và được người hâm mộ vây quanh xin chữ ký. Ảnh: TƯ LIỆU

Thủ môn Phạm Văn Rạng đến Nhật và được người hâm mộ vây quanh xin chữ ký. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 2007, khi Việt Nam đăng cai một bảng đấu tại Asian Cup, trước trận Việt Nam - Nhật Bản. Giám đốc kênh thể thao VTC3 Vũ Quang Huy có nhờ tôi kết nối cuộc gặp gỡ giữa hai tuyển thủ mà hồi cuối những năm 1950 sang những năm 1960, 1970, bóng đá Nhật rất ngưỡng mộ tài năng của họ: Lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng và trung vệ cự phách Phạm Huỳnh Tam Lang.

Ông Rạng khi đó ở tạm trong ngôi nhà mà ông chủ sân Thuận Kiều ở quận 12 cắt cho ông miếng đất nho nhỏ để sáng sáng mở cửa nhìn ra cái sân và ngồi cà phê với các bạn già hoài niệm về một thời ngang dọc trên sân cỏ. Cũng cần mở ngoặc một chút về ngôi nhà cuối đời của ông Rạng. Anh Mỹ chủ sân Thuận Kiều khi ấy hứa cắt miếng đất nhỏ để ông Rạng về ở thay vì cứ phải ở thuê, nhưng phần xây thì tự lo. Ông Rạng khi ấy than thở với người cháu Trần Tú rằng “Chú muốn lắm nhưng giờ thì tiền đâu chú xây khi gia tài chỉ có mỗi chiếc xe Charly?”.

Anh Tú mang câu chuyện đấy kể cho các anh em nhóm thể thao báo Pháp Luật TP.HCM và chuyện đến tai Tổng biên tập Nam Đồng (nay đã nghỉ hưu và là thành viên sáng lập chuỗi quán cơm Xã hội Nụ Cười). Ông Nam Đồng hối anh em PV thể thao cứ đăng nguyện vọng của ông ấy đi rồi mình quyên góp không nhiều thì ít. Chẳng lâu sau có đủ số tiền để xây cái nhà tôn tường gạch mà anh em đến thăm ông gọi là nhà cho sang.

Sáng sớm, chúng tôi cùng anh Trần Tú đi xe máy đón ông Rạng tại sân Thuận Kiều chở lên tận chung cư trên đường Trần Phú nhà ông Tam Lang. Thời điểm đấy ông Lang đang bị gouth hai chân sưng vù không đi lại được. Chung cư nhà ông Lang thì ở lầu 2 không có thang máy. Thấy ông Rạng đứng tần ngần ở chân cầu thang, anh Trần Tú nói: “Chú để cháu cõng lên!”. Ông Rạng từ chối nói mình đi đau khớp nặng nên rất ngại lên cầu thang. Tội nghiệp ông già không muốn phiền ai, nhất định leo thang một mình hai tay cứ bám vào thành cầu thang bước lên từng bước.

 Trung vệ Tam Lang từng được gọi vào đội tuyển châu Á. Ảnh: TƯ LIỆU

Trung vệ Tam Lang từng được gọi vào đội tuyển châu Á. Ảnh: TƯ LIỆU

Câu chuyện của hai ông bạn già về bóng đá Nhật

Không biết anh em ở VTC và anh Vũ Quang Huy còn lưu những thước phim tư liệu quý đấy không vì tôi nhớ các em quay phim hồi đấy không bỏ chi tiết nào. Giờ mà lục ra được phát lại hẳn sẽ có nhiều người khóc vì xúc động với hai người bạn già từng là một phần lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Phải thừa nhận đội ngũ VTC hồi đấy không phải nhọc công dàn dựng tí nào vì bản thân hai cựu danh thủ người đau khớp lưng còng lòm khòm đi lại khó khăn đến thăm người bị gouth nặng đi lại rất nặng nhọc đã là tư liệu sống đắt giá. Họ ngồi nói chuyện bóng đá, chuyện lịch sử hào hùng trên khắp các sân cỏ châu Á thật tự nhiên như mới xảy ra hôm qua…

Trong câu chuyện của hai người bạn già từng là đồng đội của nhau, tôi nhớ như in lời ông Rạng thuật lại với ông Tam Lang: “Hồi đó tụi Nhật Bổn (cách nói quen miệng của ông Rạng về đội Nhật) sợ tụi mình lắm ha Lang, đi tập huấn hay thi đấu ở đâu mà ghé qua Việt Nam là xin được đá giao hữu với tụi mình. Lần nào tụi mình cũng ăn mấy trái dễ dàng…”.

Hai ông lại kể cho nhau nghe chuyện chiếc giày nhỏ mà Tổng cục Túc cầu Nhật (cách gọi hồi đó sau này mới là Liên đoàn Bóng đá) tặng những nhà làm bóng đá Việt Nam bấy giờ và ví trình độ bóng đá Nhật so với Việt Nam chỉ là chiếc giày nhỏ…

 Trận đấu với tuyển Đan Mạch năm 1965, thủ môn Rạng (1) lao ra đấm bóng, lót ở cầu môn là trung vệ Tam Lang (5). Ảnh: TƯ LIỆU

Trận đấu với tuyển Đan Mạch năm 1965, thủ môn Rạng (1) lao ra đấm bóng, lót ở cầu môn là trung vệ Tam Lang (5). Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày hôm sau, đội tuyển Việt Nam thua Nhật 1-4 trên sân Mỹ Đình, tôi điện thoại đến hai ông chỉ để nghe họ chia sẻ. Ông Rạng nói: “Họ bây giờ không là giày nhỏ nữa rồi. Thắng mình dễ và thắng nhẹ nhàng quá! Thương các cầu thủ mình nỗ lực hết sức rồi…”. Ông Tam Lang thì phân tích rạch ròi hơn: “Nhật họ phát triển quá không riêng gì bóng đá mà cả kinh tế nữa. Dân mình giờ xài đồ Nhật đi xe Nhật không à. Bóng đá của họ thì phát triển đồng bộ với xã hội và kinh tế. Thấy thương cho bóng đá mình vì chiến tranh nên gián đoạn chứ không thì không quá cách biệt như thế đâu…”.

Vòng loại World Cup 2022 khi tuyển Việt Nam hòa Nhật 1-1 trên đất Nhật, vẫn biết là trình độ của các cầu thủ Việt Nam còn kém rất xa nhưng ai cũng hạnh phúc vì trận hòa bằng tất cả những nỗ lực, cố gắng của một đội bóng bị đánh giá thấp hơn rất nhiều.

Nhiều người hạnh phúc với trận hòa đầy quả cảm đấy của các cầu thủ Việt Nam trên đất Nhật và đâu đó cũng thốt lên câu hỏi “Không biết nếu hai cầu thủ lão làng Phạm Văn Rạng và Tam Lang nếu được chứng kiến trận đấu này thì sẽ thế nào nhỉ, chắc hai ông mà còn sống thì sẽ khóc trong sung sướng với câu chuyện giày nhỏ trải qua bao thế hệ...”.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-uc-ve-nhung-ngoi-sao-chau-a-post807677.html
Zalo