Ký ức về 'một thời đạn bom, một thời hòa bình'
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời đạn bom dường như chưa hề phai nhạt trong tâm trí chúng tôi - những người lính trở về sau cuộc chiến. Mỗi lần gặp nhau nhắc lại những năm tháng hào hùng, chúng tôi đều rưng rưng và thấy mình phải tiếp tục cống hiến để trả nghĩa cho đồng đội đã ngã xuống.

Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu
Tôi không biết ở Thái Nguyên có bao nhiêu quân nhân tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, chỉ biết trong hai năm 1962-1963, riêng ở trường cấp 2 - 3 Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) và cấp 2 Lê Hồng Phong (Phổ Yên) đã có trên 250 học sinh nhập ngũ. Số này hầu hết lần lượt vào Nam chiến đấu.
Đến năm 1967, một đại đội tân binh của Thái Nguyên (phần lớn là ở Đại Từ) được bổ sung vào Trung đoàn 95 (E95, trực thuộc Bộ Tư lệnh Tây nguyên - B3).
Trong số quân nhân vào Nam ở hai khu vực này, liệt sĩ tiêu biểu có Anh hùng Vũ Xuân, còn lại có các anh: Nguyễn Văn Học, sau này làm Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên; anh Ngô văn Lâm, có thời kỳ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Thái Nguyên; anh Tạ Chu, Đại tá, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên (1992 - 2012); anh Nguyễn Bình Nguyên, Đại tá, nguyên Chỉ huy phó chính trị Tỉnh đội Thái Nguyên (1995 - 2005), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên (1992 - 2012); anh Nguyễn Khánh Hạ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên; Đại tá phi công Nguyễn Kim Long ở Phú Bình… Trừ một số anh em là sĩ quan cao cấp, hoặc có chút địa vị xã hội, còn lại hầu hết chúng tôi rời cuộc chiến đều trở về với thôn quê.
Tuy vậy, từ mấy chục năm qua, mỗi năm anh em thường gặp nhau một lần để “ôn cố tri tân", và khi ấy, mọi ranh giới xã hội gần như bị xóa nhòa. Thời gian trôi đi, càng về sau, những lần gặp nhau, số người có mặt cứ thưa dần… Cho tới năm nay, kỷ niệm tròn nửa thế kỷ Chiến thắng 30-4, khi anh em chúng tôi hầu hết đều đã ở lứa tuổi thuộc U80, U90, thì chỉ còn tốp ba, tốp năm là có thể gặp nhau.
Câu chuyện về “một thời đạn bom, một thời hòa bình” giữa những người lính với nhau hầu như không có hồi kết. Ngẫm nghĩ cùng thời cuộc, lần theo thời gian, câu chuyện của những cựu chiến binh chúng tôi đọng lại ở những cái mất và cái được trong cuộc đời.
Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân của chúng tôi, cái tuổi 20 đến 30 trẻ trung phơi phới. Đáng ra ở tuổi này chúng tôi phải được học hành, lập nghiệp, tuổi để yêu đương và lãng mạn, thay vào đó là những ngày tháng sống trong bom đạn, cận kề với hiểm họa…
Chúng tôi mất đi nhiều anh em đồng đội thân thiết (theo cách thống kê thủ công và truyền miệng của anh em quanh khu vực TP. Thái Nguyên, trong số cùng nhập ngũ với nhau thì có trên 1/3 hy sinh. Thực tế không thể ít hơn số ấy, bởi cuộc chiến này vô cùng khốc liệt. Là người có 10 năm chiến đấu ở trong Nam, tôi biết rõ chuyện đó). Chúng tôi đều mất một phần xương máu và phần lớn sức khỏe của cuộc đời…
Nhưng so với những đồng đội đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ, chúng tôi may mắn được sống để cùng dân tộc vui khúc ca khải hoàn khi giang sơn thu về một mối. Chúng tôi được hưởng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhận được sự tôn vinh của xã hội, được tự hào về thế hệ của mình. Chúng tôi được trở về với cha mẹ và người thân, có được một tổ ấm cho riêng mình.
Trải qua những năm gian khổ cùng cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, chúng tôi lại được hưởng thành quả mọi mặt từ công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Và cái được sâu xa hơn nữa của cuộc đời, mà không dễ ai cũng nhận ra, đó là trải qua môi trường sống khắc nghiệt của một thời đạn bom, chúng tôi mới nhận ra: Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta luôn đứng trước những ranh giới rất mong manh, giữa nhục và vinh, giữa trung thành và phản bội, giữa thật thà và giối trá, giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa chân thành và thủ đoạn, giữa thiện và ác, giữa lòng kính trọng và sự khinh rẻ, giữa khôn và dại, giữa bao dung và thói đố kỵ… chỉ cần sẩy một bước, tức thì các vế sẽ đổi chỗ cho nhau, theo chiều xấu đi.
Con người ta sống ở trên đời, làm “con” thì dễ, còn làm “người” thì rất khó. Bởi vậy, mỗi lần gặp gỡ, anh em chúng tôi vẫn động viên nhau: còn sống ngày nào cũng phải phấn đấu để trở thành một con người tử tế. Trước là tử tế với cha mẹ, vợ con, tử tế với anh em, họ hàng, với bè bạn, tử tế với xã hội - trở thành những công dân mẫu mực.
Sống tử tế cũng là cách thể hiện lòng biết ơn với Đảng và cách mạng, gìn giữ danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuyệt đại anh em chúng tôi luôn phấn đấu để làm người tử tế, trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại này. Đây là cách tốt nhất để chúng tôi có thể trả món nợ với những anh em đồng đội đã ngã xuống để đất nước và chúng tôi có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay.