'Ký ức và niềm tin': Câu chuyện của những người lính
Sắp xếp theo ba chủ đề: 'Sẵn sàng lên đường'; 'Niềm tin chiến thắng' và 'Ngày trở về', trưng bày 'Ký ức và niềm tin' dẫn lối người xem theo những câu chuyện và thước phim sống động về những người lính cụ Hồ.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức triển lãm “Ký ức và Niềm tin”, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, câu chuyện và thước phim sống động về những ký ức hào hùng của dân tộc.
Trong không gian triển lãm “Ký ức và Niềm tin”, trưng bày gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý giá về những ký ức hào hùng của dân tộc, gia điệu “Vì nhân dân quên mình” qua tiếng kèn harmonica của ông Nguyễn Tiến Lịch, người lính năm xưa trong Trung đoàn 5 – Đoàn Dũng sĩ Cát Bi nay đã ở tuổi ngoài 80 vẫn hào sảng, khí thế.
Ngắm nhìn bức tranh là hiện vật trao tặng cho bảo tàng, ông Nguyễn Tiến Lịch kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng đồng đội trong cuộc hành quân vượt Trường Sơn năm 1971: “Năm 1971, tôi vào chiến trường lần 2, trên đường chúng tôi đi xảy ra một câu chuyện. Tại ngã 3 Đông Dương, giáp 3 nước, hôm ấy có bom b52 nó bỏ hôm trước, còn một số bom hẹn giờ . Bom đấy ở giữa đường, bắt buộc phải vượt qua.. Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua, nhưng tình hình lúc đó anh em rất sợ vì đa phần còn rất trẻ. Tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài “Vì nhân dân quên mình” để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Từng tốp vượt qua nhanh chóng, lúc đó sự sống được tính bằng giây. Và sau khi tôi kể lại tình huống này, họa sỹ Vương Trần đã vẽ và tặng tôi, giờ đây tôi trao tặng lại cho bảo tàng gìn giữ”.
Cùng người thân có mặt tại triển lãm, ông Trần Trọng Nghĩa - con của liệt sĩ Trần Trọng Hoàn rưng rưng xúc động khi nhìn thấy những lá thư của cha mình được trưng bày tại bảo tàng: "Những bức thư này của bố tôi gửi cho mẹ tôi trong thời kỳ ông trong chiến trường. Trong quãng thời gian chúng tôi còn bé thì mẹ tôi rất hay đọc, bà vừa đọc vừa giảng giải cho chúng tôi sự hy sinh lớn lao của ông và những bức thư ấy, chúng tôi giữ đến khi bà mất. Sau khi chúng tôi biết Bảo tàng phụ nữ Việt Nam có nhận những bức thư này, để bảo tồn giữ được lâu thì chúng tôi rất phấn khởi, trưng bày những bức thư này để cho tất cả chúng ta xem, cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông chúng ta".
Sắp xếp theo ba chủ đề: “Sẵn sàng lên đường”; “Niềm tin chiến thắng” và “Ngày trở về”, trưng bày “Ký ức và niềm tin” dẫn lối người xem theo những câu chuyện và thước phim sống động về những người lính cụ Hồ. Trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ… Triển lãm cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa “hậu phương” - “tiền tuyến”; qua đó gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp hãy sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, hãy tiếp bước cha anh “Sống một đời đáng sống”.
Tham quan triển lãm, bạn Trần Thanh, sinh viên trường Học viện báo chí và tuyên truyền cho biết: “Khi đến triển lãm ngày hôm nay, em nhìn thấy được sự nỗ lực và sự hy sinh của ông cha ta qua thời kỳ đó. Em thấy mình được truyền cảm hứng, bởi vì trong cuộc sống hiện tại, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi em nhìn thấy ngày xưa, ông cha ta hết lòng vì đồng đội, hết lòng vì niềm tin tươi sáng thì điều đấy khiến em được truyền cảm hứng, tin tưởng vào những điều mình đang cố gắng trong hôm nay”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, công chúng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm “Thư gửi người thân”, nơi mọi người có thể viết những dòng thư ý nghĩa, gửi gắm tình cảm chân thành đến những người thân yêu của mình qua những lá thư mang đậm phong cách “thời chiến”.