Ký ức Tây Nguyên

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Bình Nguyên, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, về những ký ức không thể nào quên trong những năm tháng ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.

Đại tá Nguyễn Bình Nguyên và cuốn nhật ký chiến trường của mình.

Đại tá Nguyễn Bình Nguyên và cuốn nhật ký chiến trường của mình.

Tại căn nhà ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), Đại tá Nguyễn Bình Nguyên đón tôi trong bộ quân phục chỉnh tề. Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng ánh mắt ông vẫn sáng rực mỗi khi nhắc về những năm tháng chiến đấu tại Tây Nguyên.

"50 năm đã trôi qua, nhưng với tôi, những ký ức về chiến trường Tây Nguyên vẫn luôn hiện hữu như mới hôm qua" - Đại tá Nguyên bắt đầu câu chuyện, giọng trầm ấm và đầy xúc động.

Năm 1965, chàng trai Nguyễn Bình Nguyên như bao thanh niên khác theo tiếng gọi của Tổ Quốc, lên đường nhập ngũ, tham gia vào Trung đoàn 95. Đơn vị của ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên với nhiệm vụ đặc biệt: thọc sâu vùng địch hậu, đánh cắt giao thông trên các trục đường huyết mạch quốc lộ số 19, 14 trên địa bàn Gia Lai và khu vực giáp Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk.

"Tây Nguyên là vùng đất khắc nghiệt, rừng già hiểm trở, đồi núi chập chùng. Chúng tôi phải đối mặt không chỉ với kẻ thù mà còn với thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật" - Đại tá Nguyên kể. "Nhưng chính những thử thách đó đã tôi luyện nên ý chí kiên cường của người lính cách mạng”.

Đại tá Nguyên nhớ lại những ngày tháng lịch sử của Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 - mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau này.

"Khi nhận lệnh tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi đều hiểu rằng đây là thời khắc quyết định. Tinh thần chiến đấu của anh em rất cao. Mọi người đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc”.

Ông kể lại với những chi tiết sống động: "Tôi nhớ như in đêm mồng 3, rạng sáng 4/3/1975, theo kế hoạch Trung đoàn được lệnh nổ súng tiến công đánh chiếm căn cứ Azun, Plei Bông, đèo Măng Yang trên Đường 19. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải cắt bằng được con đường này, đặc biệt là đoạn Măng Yang để chặn đường rút của địch”.

Ông hồi tưởng: "Khi ấy tôi chỉ huy một đại đội chặn đánh đoàn xe của địch, chúng phản kích cực kỳ quyết liệt, anh em bị thương và hy sinh nhiều, nhưng tinh thần của tất cả chiến sĩ đều quyết tâm, bằng mọi giá không để một xe nào của địch đi qua được Măng Yang. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ giao tranh, đại đội đã đẩy lui đợt phản kích của địch, bắn hạ tổng cộng 9 xe trong đó có 2 xe tăng và 7 xe bọc thép M113”.

Từng trang nhật ký là ký ức không thể nào quên về một thời hào hùng của dân tộc.

Từng trang nhật ký là ký ức không thể nào quên về một thời hào hùng của dân tộc.

Đại tá Nguyên có nhiều kỷ niệm sâu sắc gắn liền với chiến trường Tây Nguyên, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tình cảm quân dân ở nơi đây.

"Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đùm bọc, che chở, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôi nhớ có lần đơn vị tôi đang hành quân thì một chiến sĩ bị sốt rét ác tính. Một già làng người Ba Na đã dùng lá thuốc rừng để cứu anh ấy. Không có sự giúp đỡ của đồng bào, chúng tôi không thể vượt qua được những khó khăn gian khổ”.

Ông cũng nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống với giọng nghẹn ngào: "Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã sống trọn vẹn với lý tưởng cao đẹp. Mỗi lần nhớ đến các anh, tôi lại tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của họ”.

Khi được hỏi về thông điệp muốn gửi đến thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng, Đại tá Nguyên trầm ngâm rồi nói: Hòa bình, độc lập, thống nhất là kết quả của biết bao xương máu, hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam. Tôi mong các bạn trẻ hôm nay hiểu được giá trị của hòa bình, trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực học tập, lao động để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

"Tây Nguyên giờ đây đã đổi thay rất nhiều. Nhưng trong tôi, những ký ức về vùng đất và con người nơi đây vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong cuộc đời người lính" - Đại tá Nguyên tâm sự khi kết thúc cuộc trò chuyện.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng ký ức về Tây Nguyên trong những người lính như Đại tá Nguyễn Bình Nguyên vẫn luôn sống động, như một minh chứng cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện của họ - ký ức Tây Nguyên - sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Đạt

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/ky-uc-tay-nguyen-ce13d84/
Zalo