Ký ức 'nằm gai nếm mật' của những nhà giáo đi B
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng nghìn nhà giáo miền Bắc đã vào Nam, vừa tham gia xây dựng nền giáo dục trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa cầm súng chiến đấu. Trong khói lửa chiến tranh, các thầy cô vẫn ngày đêm miệt mài trao truyền kiến thức. Câu chuyện và hồi ức của các thầy cô thực sự là những bài học sống động, ý nghĩa, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Ước mơ nhỏ sưởi ấm tâm hồn
Nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM, cho biết, năm 25 tuổi, khi vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã viết đơn tình nguyện đi B. Trong suốt thời gian vượt Trường Sơn vào Nam, khó khăn luôn thường trực.
"Trèo đèo, lội suối chúng tôi không sợ, các cô giáo sợ nhất là những ngày đến chu kỳ kinh nguyệt. Đi đến vùng bình thường thì còn đỡ, nếu đi vào vùng không có nước hoặc vùng nhiễm hóa chất thì việc giặt giũ rất khổ".
Trên đường đi, có những lúc hết gạo, cả đoàn ngồi dưới gốc cây kơ nia đập quả ăn cầm hơi. Trong lúc gian khổ đó, chị em chia sẻ những ước mơ giản dị khi đất nước thống nhất. Những ước mơ ấy như ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm tâm hồn, tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn vượt qua gian khổ.
"Chúng tôi nói với nhau rằng, nếu đất nước được giải phóng hoàn toàn, nếu mình còn sống thì sẽ pha lu nước chanh thật to để đi ra đi vô uống cho thỏa thích. Vì lúc đó, chúng tôi không có nước uống. Còn có người ước, ngoài tiền mua thức ăn thì sẽ mua hết bánh kẹo để trong nhà, khi nào muốn ăn thì ăn", cô Yến Thu kể lại.
Trong ký ức của cô Yến Thu, bên cạnh những câu chuyện gian khổ, vẫn có những câu chuyện "dở khóc, dở cười", khiến thời thanh xuân của cô thêm đáng nhớ. Như chuyện những lần nấu ăn trong rừng, khi máy bay địch gần đến, vì lo sợ địch phát hiện nên chị em dập lửa bằng cách cầm củi dụi lung tung, khiến khói bay lên.
Lúc đó, có chú bộ đội nhanh tay phụ giúp và hướng dẫn cách dập lửa bằng nước. Qua mỗi lần va vấp, chị em lại có thêm kinh nghiệm sống trong rừng và trưởng thành hơn. Cô Yến Thu cho biết, dẫu khổ cực nhưng vì miền Nam ruột thịt và nhớ lời Bác dạy, mọi người không ai nản chí.
Tại chiến trường khu D (Đồng Nai), cô và đồng đội hoạt động trong rừng, vừa dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ vừa tham gia chiến đấu trong những trận địch càn quét. Hòa bình lập lại, cô tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp "trồng người".
Những "nhà giáo cầm súng"
Còn với nhà giáo Trần Thị Vinh, quê gốc ở Bắc Ninh, ký ức gian khó thời gian đi B không thể xóa nhòa. Đó là những ngày vượt Trường Sơn đi bộ vào Nam phồng rộp cả chân, là những ngày mắc võng ngủ rừng và cả những hôm đói rét, thiếu nước sinh hoạt, là những lúc nhớ nhà đến quay quắt.
"Nhiều hôm, đoàn chúng tôi đi nguyên đêm lại quay về chỗ cũ, vì không biết đường đi. Có những lúc, chúng tôi còn không có nước uống chứ nói gì đến nước để vệ sinh cá nhân", cô Vinh kể.
Nhà giáo thì thế hệ nào cũng yêu Tổ quốc, yêu nghề và yêu hệ học trò, toàn tâm toàn ý đào tạo cho đất nước những người công dân có ích. Dưới “mưa bom lửa đạn”, các lớp học vẫn ê a dạy chữ ráp vần, ươm mầm cho bao thế hệ. Tôi mong các bạn trẻ hôm nay tiếp tục phấn đấu, kiên trì, phải làm cho thật tốt, cống hiến nhiều cho cộng đồng”.
Nhà giáo Trần Thị Vinh
Tại căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), cô Vinh được phân công đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ phóng viên chiến trường đến nhân viên nhà in rồi tham gia dạy học. Sau giải phóng, cô làm Phó Hiệu trưởng Trường Gia Long (hiện là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, ở TPHCM).
Chia sẻ tại buổi họp mặt những nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức mới đây hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết, đối tượng đi B lúc đầu là lực lượng vũ trang nhưng sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập (tháng 12/1960) và phong trào Cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới thì đối tượng đi B được mở rộng, từ kỹ sư, bác sĩ, đến nhà giáo, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí… đều được huy động vào Nam chiến đấu và công tác.
Các thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam bộ và đã trở thành những "nhà giáo cầm súng".
"Chúng tôi, thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác", ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ.
Nhà giáo đi B là những giáo viên được huy động từ miền Bắc vào Nam chiến đấu và công tác. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam.