'Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi'
Đã 71 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Xuân Vinh ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Xuân Vinh (SN 1935) trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xuân Hồng, Nghi Xuân. Lớn lên trong cảnh đất nước chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai, ông sớm hiểu giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do. Tháng 2/1953, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã tình nguyện nhập ngũ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Cựu binh Nguyễn Xuân Vinh.
Sau 3 tháng huấn luyện tại Đoàn 44 (Quân khu 4) ở miền Tây Nghệ An, ông được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 999, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316 (Quân khu 2 – Tây Bắc), tiếp tục huấn luyện tại miền Tây Thanh Hóa. Tháng 2/1954, đơn vị ông nhận lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Vinh nhớ lại: “Sau gần một năm huấn luyện, đơn vị chúng tôi hành quân gần một tháng trời để đến Điện Biên. Một kỷ niệm không thể nào quên là khi vừa đến chiến trường, chúng tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng ngồi trên xe Jeep dừng lại, bắt tay từng chiến sĩ và dặn dò: "Chúc các đồng chí giành nhiều thắng lợi". Lời động viên ấy khiến chúng tôi thêm quyết tâm, phấn khởi bước vào trận chiến.”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu.
Từ tháng 3 đến hết tháng 4/1954, Trung đoàn 176 đảm nhiệm công tác hậu cần, tiếp tế cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đồng thời đào hệ thống giao thông hào phục vụ chiến đấu. Mỗi mét chiến hào là biết bao gian khổ, hy sinh đổ xuống dưới làn bom đạn ác liệt. Nhưng ông Vinh và đồng đội vẫn không quản hiểm nguy, nỗ lực siết chặt vòng vây vào các cứ điểm A1, C1, C2.
Cuối tháng 4/1954, sau hai đợt tấn công giành được nhiều thắng lợi, quân ta chuẩn bị cho đợt tấn công thứ ba (từ 1/5 đến 7/5) nhằm tiêu diệt hoàn toàn các cao điểm A1, C1, mở rộng thế trận để tiến tới tổng công kích. Sư đoàn 316 của ông Vinh được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 9 – Sư đoàn 304 thực hiện đánh chiếm các cao điểm chiến lược.

Quân ta tấn công đánh cứ điểm Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.
“Trận đánh cứ điểm Đồi A1 ác liệt vô cùng, ta và địch giành giật từng mét chiến hào. Có lúc vừa chiếm được vị trí đã phải rút lui vì hỏa lực địch quá mạnh, pháo từ Mường Thanh, Hồng Cúm trút như bão lửa. A1 là cao điểm cuối cùng, mang tính quyết định, nên cả ta và địch đều dốc toàn lực.
Sáng 6/5, chúng tôi được lệnh rút khỏi đồi A1. Vừa rút khỏi khu vực, thì hàng tấn bộc phá nổ tung, khói bốc lên mù trời. Đó là hiệu lệnh mở màn tổng tấn công. Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 cắm cờ chiến thắng trên nóc đồi A1, hỏa lực ta đồng loạt tấn công C2, Mường Thanh và các cứ điểm còn lại. Khi tôi cùng nhóm ba đồng đội vượt hàng rào thép gai tiến vào cứ điểm thì bất ngờ mìn nổ. Anh Nguyễn Văn Viện người Phú Thọ kêu lên: “Vinh ơi! Mày trúng mìn rồi”. Tôi kịp nhìn xuống, bàn chân phải đã bị đứt lìa, máu tuôn ra như suối. Đau đớn, tôi khuỵu xuống rồi ngất đi …” – ông Vinh kể.

Ông Nguyễn Xuân Vinh cùng ôn lại lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Vinh được đồng đội cõng về hậu cứ, đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị. Chiều 7/5/1954, quân ta đánh tan cứ điểm đầu não, buộc tướng De Castries đầu hàng. “Tỉnh dậy trong bệnh viện, chân phải đã được băng bó, tôi nghe tin chiến thắng mà quên hết đau đớn, cùng các đồng đội bị thương reo hò sung sướng. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào, nghĩ đến những người đã ngã xuống và vết thương của mình – chúng tôi đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’”.
Sau chiến dịch, ông Vinh được cử đi học tại Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc. Năm 1957, ông chuyển ngành về công tác tại Tỉnh ủy Sơn La. Năm 1973, ông về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh; năm 1976 sau khi sáp nhập tỉnh, ông chuyển về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh cho đến khi nghỉ hưu năm 1985.

Ông Nguyễn Xuân Vinh cùng vợ là bà Phan Thị Sính (SN 1937).
Không chỉ cống hiến trong chiến đấu và công tác, ông Vinh còn xây dựng một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng ông có 4 người con (3 trai, 1 gái), đều trưởng thành. Hai người con trai nối nghiệp cha, trở thành sỹ quan quân đội.
Mỗi dịp tháng 5 về, ký ức năm xưa lại sống dậy trong người cựu binh Điện Biên Phủ năm xưa. Ông Vinh bồi hồi nhớ về những người đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử, về những người đồng chí đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (thứ 3 từ trái sang) tại cuộc gặp mặt CCB nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Hà Nội, tháng 5/2024).
“Dù năm tháng có qua đi, ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong tôi. Chúng tôi không bao giờ quên đồng đội mình – những người anh hùng đã ngã xuống cho đất nước thanh bình hôm nay”, cựu binh Nguyễn Xuân Vinh xúc động chia sẻ.
Video: Cựu binh Nguyễn Xuân Vinh kể về những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.