Kỳ tích từ sự quyết tâm

Những quyết sách kịp thời, đúng đắn trong công tác điều hành của Chính phủ; bản lĩnh, quyết tâm, sự sâu sát, quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ đã mang lại những đột phá trong phát triển hạ tầng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Chỉ trong hơn 6 tháng, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân và các lực lượng đã kéo đường dây điện 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519 km, vượt địa hình hiểm trở để đưa điện ra miền Bắc. Đây là một kỳ tích có được nhờ tinh thần “thần tốc, quyết thắng, vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” để “biến cái không thể thành có thể”.

Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ cũng đã phát động cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Và đặc biệt, Chính phủ đang quyết tâm để hiện thực hóa những kì tích mới - tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Ảnh: chinhphu.vn

Có thể nói, từ những quyết sách kịp thời, đúng đắn trong công tác điều hành của Chính phủ; bản lĩnh, quyết tâm, sự sâu sát, quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ đã mang lại những đột phá mới cho đất nước – đặc biệt là đột phá trong phát triển hạ tầng trong giai đoạn phát triển mới. Và để làm rõ hơn điều này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

+ Đột phá trong phát triển hạ tầng thời gian qua là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội. Với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành. Đặc biệt, dự án đường dây 500Kv mạch 3 hoàn thành chỉ trong thời gian 6 tháng mà theo đánh giá phải cần đến từ 3 đến 4 năm để hoàn thành – đây được coi là kỳ tích lớn. Theo ông, điều gì làm nên kỳ tích này?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là công trình truyền tải điện được triển khai sớm nhất, ngay sau khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành. Công trình huy động được một lực lượng đông đảo nhất, có khối lượng thi công lớn nhất và ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất trong các công trình đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng từ trước đến nay.

 Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành chỉ trong 6 tháng trong khi theo đánh giá, các dự án có quy mô, khối lượng tương tự phải triển khai trong thời gian từ 3 đến 4 năm thực sự được coi là kỳ tích lớn trong năm 2024.

Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500 kV từ Trung - Bắc với công suất từ 2.500 MW hiện nay lên 5.000 MW, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Kỳ tích, thành công của dự án đến từ những nhân tố quan trọng nhưng cao hơn hết là nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ. Sự đồng hành, động viên, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng bà con nhân dân xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong chuyến đi kiểm tra, đốc thúc dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng bà con nhân dân xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong chuyến đi kiểm tra, đốc thúc dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh: chinhphu.vn

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành đúng tiến độ. Theo nhiều chuyên gia năng lượng, việc “chia nhỏ” các gói thầu vừa giúp cạnh tranh, vừa để huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia, góp phần quan trọng đảm bảo tiến độ của dự án.

Cụ thể, trên toàn tuyến đường dây có tới 226 gói thầu, bao gồm 93 gói thầu xây lắp; 75 gói thầu cung cấp cột thép; 36 gói thầu cung cấp dây dẫn, cáp quang; 17 gói thầu cung cấp cách điện và phụ kiện; 5 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ, nhị thứ, kháng điện và phụ kiện. Quá trình triển khai thực tế cũng đã bộc lộ rõ năng lực của nhà thầu. Đây cũng là những điều cần được rút kinh nghiệm cho các công trình sẽ triển khai trong thời gian tới.

Thành quả này cũng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các công trình trọng điểm của đất nước và thời gian gần đây, báo chí đã đăng tải, truyền đi những thông điệp về sự quyết tâm, đồng lòng đến nhân dân.

Cụ thể: Đó là bài học về công tác quản lý lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo, chỉ huy: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá.

Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động cả hệ thống chính trị với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”.

Bài học về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ động tích cực với tinh thần “chia sẻ, thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.

Cùng với đó là xây dựng, phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt là tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc liên tục 24/7”… đã trở thành biểu tượng của dự án đường dây 500kV mạch 3.

Với tinh thần của những chiến sỹ ngành điện cần tiếp tục lan tỏa đến công trường khác, đến các dự án lớn khác, tạo thành không khí thi đua trong xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Một bài học kinh nghiệm khác không thể không nhắc đến là vai trò quan trọng của công tác truyền thông. Tính từ khi dự án được khởi công đến thời điểm hoàn thành, đóng điện đã có hàng nghìn tin bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau như truyền hình quốc gia/địa phương, báo điện tử, báo giấy, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm theo dõi và tương tác của nhiều triệu lượt khán giả, bạn đọc trên mọi miền đất nước.

+ Sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển hạ tầng giao được thể hiện xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” nhằm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Ông có đánh giá như thế nào về sự quyết tâm này và mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc có sớm thành hiện thực?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng đã được Đại hội XIII xác định và nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc (đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km).

Triển khai Nghị quyết của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đạt kết quả quan trọng và nổi bật. Đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000 km đường cao tốc với thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng 500 ngày đêm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Theo tôi, đây là một sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

Thực tế, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chuyến công tác từ Bắc vào Nam, đi đến tận các công trường xây dựng cao tốc để kiểm tra đốc thúc tiến độ. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu triển khai các dự án cần phải tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt: Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; “Bàn để quyết chứ không bàn để đấy”, “đã bàn, đã quyết là phải làm”, làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể.

Với tinh thần nêu trên cùng với tiến độ như hiện nay, tôi tin tưởng cả nước sẽ có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

 Đồ họa về đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

Đồ họa về đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

+ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được coi là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Chính phủ cũng đang quyết tâm để hiện thực hóa những kì tích mới này. Xin ông cho biết những cơ sở để hiện thực hóa thực hiện dự án, trong đó, đặc biệt là nguồn lực, phương án xây dựng. Cùng với đó, các địa phương cần “đón bắt” dự án ra sao để phục vụ cho phát triển?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350 km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Nếu như trước đây, chúng ta chần chừ vì không có điều kiện thì nay chúng ta đã có đủ tiềm lực, nền tảng cơ bản để triển khai, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân, cử tri.

Theo phương án xây dựng toàn tuyến trong 12 năm với tổng vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD, tức là mỗi năm cần gần 5,6 tỷ USD, dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân bổ vốn đầu tư công nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được. Hơn nữa, tính toán trong 10 năm tới, đất nước sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, tốt hơn nên nguồn lực cho đầu tư công sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đường sắt tốc độ cao, chúng ta có nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác cần triển khai. Song Chính phủ đã cân đối nguồn lực trong trung hạn, hiện đang có dư địa lớn về nợ công. Tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn so với trần Quốc hội đặt ra. Do đó, trong trường hợp cần phải đi vay, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng room nợ công mà không đẩy nợ công lên mức quá cao, đến ngưỡng phải cảnh báo.

Mặt khác, khi đầu tư một dự án, vấn đề đáng quan tâm nhất là hiệu quả. Trong khi dự án này được đánh giá có hiệu quả tốt, tác động tích cực đến chỉ số hiệu quả của nền kinh tế. Như vậy, rõ ràng không có vấn đề trong việc vay đầu tư.

 Công nhân thi công trên công trường cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

Công nhân thi công trên công trường cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

Về khả năng quản lý, triển khai dự án, thực tế thời gian qua chúng ta đã thực hiện hàng loạt công trình trọng điểm một cách thần tốc, đột phá, vậy hoàn toàn có thể đủ khả năng thực hiện.

Nhiều người nhắc đến nguồn lực từ khai thác TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), tôi cho rằng đây thực sự là dư địa lớn. Thậm chí, nếu chúng ta khai thác tốt quỹ đất xung quanh dự án, có thể huy động nguồn lực tương đương một nửa tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đặt vấn đề phải sử dụng nguồn lực đó cho dự án này. Vì khi triển khai dự án lớn như vậy, đòi hỏi phải có nguồn lực đảm bảo, không thể trông chờ vào TOD. Trong khi nguồn lực từ TOD còn phụ thuộc vào giá cả bất động sản và nhiều yếu tố khác. Nếu trông chờ, chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ”.

Với các địa phương, khi có các tuyến giao thông đi qua sẽ mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, phát triển. Để nắm bắt được, đòi hỏi các địa phương phải chủ động đưa ra quy hoạch, kế hoạch tổng thể tùy theo lợi thế, đặc thù và điều này không ai có thể tính thay được.

+ Xin cảm ơn ông!

Quốc Trần (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-tich-tu-su-quyet-tam-post327744.html
Zalo