Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư: Thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự

Trước xu hướng di cư ngày càng gia tăng, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức.

Một tiểu phẩm đặc sắc, ấn tượng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thanh niên trong hành trình di cư an toàn. (Ảnh minh họa: Võ Dung/TTXVN)

Một tiểu phẩm đặc sắc, ấn tượng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của thanh niên trong hành trình di cư an toàn. (Ảnh minh họa: Võ Dung/TTXVN)

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư 2024 (18/12) và Tọa đàm “Hành trình di cư: Những bước chân cảm hứng."

Tham dự sự kiện có Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam Kendra Rinas; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Phan Thị Minh Giang; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đặng Hương Giang cùng với sự tham gia của hơn 180 người di cư, đại diện thanh niên và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết theo ước tính của IOM, trong số 281 triệu người di cư trên thế giới, có 87 triệu người - tương đương khoảng 31%, ở độ tuổi dưới 30. Những người trẻ tuổi di cư để theo đuổi hy vọng và ước mơ của mình. Khi di cư, họ mang theo những ý tưởng mới mẻ, sự đổi mới và những trải nghiệm đa dạng.

Trong hành trình di cư, những người trẻ như những đại sứ. Họ tạo dựng, vun đắp những mối quan hệ mới, mở rộng hiểu biết về các khu vực khác nhau trên thế giới và thu lượm nhiều kiến thức.

Các mối quan hệ và kiến thức được nuôi dưỡng, do đó biến di cư thành con đường tiến bộ. Điều này rất quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Tuy nhiên, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh con đường di cư không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mỗi hành trình có những thăng trầm riêng.

Cho biết chỉ còn 5 năm nữa là thế giới tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, bà Pauline Tamesis kêu gọi cộng đồng chung tay giúp thanh niên, trong đó những người di cư trẻ định hướng phát triển đúng đắn trước những phức tạp toàn cầu ngày nay như thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ, thay đổi cơ cấu dân số và biến đổi khí hậu.

Bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam, chia sẻ Lễ kỷ niệm và tọa đàm là hoạt động bổ trợ, đồng hành cùng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy di cư an toàn, trật tự và hợp pháp. Đây cũng là diễn đàn để thanh niên, bao gồm cả những người di cư trẻ, trao đổi tri thức và trải nghiệm về những lợi ích của di cư.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên trong giải quyết các vấn đề phức tạp về di cư, bà Rinas chia sẻ thêm: “Thanh niên chính là những chủ nhân của xã hội tương lai. Tiếng nói, ý tưởng và hành động của thanh niên đóng vai trò quan trọng trong định hình các chính sách, chiến lược về di cư, góp phần đưa Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững."

Trao đổi tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang cho rằng để có hành trình di cư an toàn, người di cư cần có một nền tảng vững chắc. Người di cư chuẩn bị kỹ trước hành trang khi đi, có được thông tin và những hiểu biết, kiến thức cần thiết; đặc biệt là những kỹ năng để ứng xử, phòng ngừa, tự bảo vệ trong những trường hợp khó khăn hoặc khi bị phân biệt đối xử, gặp tình huống dễ bị tổn thương xảy ra ở nước ngoài.

Bà Phan Thị Minh Giang cũng cho rằng với vấn đề di cư, cần có một cách tiếp cận mở và cân bằng bởi Liên hợp quốc trong Chương trình Nghị sự năm 2030 đã nhận định di cư là một nhân tố đóng góp vào phát triển bền vững và điều quan trọng là các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện cho di cư hợp pháp, an toàn, trật tự và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người di cư.

Thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo di cư an toàn và hỗ trợ người di cư, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang cho biết theo thống kê của Cục Lãnh sự, trong lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi năm (trừ giai đoạn tác động của dịch COVID-19), có khoảng 100.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; còn lĩnh vực đi học tập ở nước ngoài, trung bình mỗi năm là trên 10.000 người.

Trước xu hướng di cư ngày càng gia tăng, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người di cư, với một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, về tuyên truyền, các cấp bộ, ngành, địa phương Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về các kênh di cư hợp pháp, an toàn; đặc biệt chú ý đến những vấn đề mới nổi trong tình hình di cư quốc tế, như lừa đảo trực tuyến, mua bán người với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao."

Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam cũng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, đảm bảo di cư an toàn, hợp pháp; theo đó năm 2020, Việt Nam ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành, hay mới đây nhất, ngày 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trong đó quy định tư vấn về di cư an toàn để phòng ngừa mua bán người khi một cá nhân dịch chuyển qua biên giới.

Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng ngày càng chặt chẽ trong xử lý các vấn đề di cư cũng như hỗ trợ người di cư. Việt Nam đã có tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam, đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời phối hợp giải quyết, hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài khi có các vụ việc xảy ra.

Trong quá trình hỗ trợ người di cư, theo bà Phan Thị Minh Giang, Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ với các nước, đối tác quốc tế để tạo một mạng lưới quốc tế đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn và phòng, chống di cư trái phép. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).

Buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như - nữ cầu thủ Việt Nam đầu tiên ký hợp đồng với một câu lạc bộ bóng đá nước ngoài; ông Hảo Trần, người đã quyết định gác lại sự nghiệp đầy triển vọng tại Hoa Kỳ để trở về Việt Nam, kết nối lại với cội nguồn của mình.

Bên cạnh đó, các đại biểu dự sự kiện cũng lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng của một nhà sáng tạo nội dung - một người mẹ trẻ di cư sang Canada, đã tìm được tiếng nói của mình qua mạng xã hội và hiện nay đang truyền cảm hứng cho hàng ngàn bạn trẻ, trở thành cầu nối về văn hóa giữa Việt Nam và Canada.

Đặc biệt, sự kiện cũng ghi nhận những khuyến nghị giá trị từ các bạn trẻ về các chiến lược nhằm thúc đẩy tiếng nói của thanh niên một cách hiệu quả trong các kế hoạch di cư an toàn của Chính phủ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-ngay-quoc-te-nguoi-di-cu-thuc-day-di-cu-hop-phap-an-toan-va-trat-tu-post1003151.vnp
Zalo