Kỷ niệm một lần thoát hiểm ở hang đá Trường Sơn

Còn lại mình tôi với cây đèn dầu mazut cuộn khói, một điện thoại và một máy bộ đàm P105.

Đêm nay trăng sáng quá! Núi rừng Trường Sơn hiện ra trước mắt tôi điệp trùng, mờ ảo. Mấy giò phong lan treo ở cửa hang, dưới ánh trăng vẫn hiện rõ những cánh hoa vàng. Gió đêm lành lạnh thổi. Tôi đưa tay cài khuy cổ áo, mắt nhìn xuống đường ôtô, nơi có những đoàn xe vận chuyển của binh trạm sắp đi qua.

Tôi quay vào hang, lòng cảm thấy trống trải. Mọi hôm ở đây có bốn người. Nhưng đêm nay, anh Khôi chính ủy trung đoàn đã lên họp ở Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Anh Khâm, tham mưu phó, đi đốc chiến. Cậu Nam chiến sĩ thông tin thì vừa xin phép xuống “hang lớn”, hậu cứ của trung đoàn, để đổi mấy bình ắc quy.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus.

Còn lại mình tôi với cây đèn dầu mazut cuộn khói, một điện thoại và một máy bộ đàm P105. Nhấc ống nói, tôi gọi Nam, dặn dò: “Cứ ở dưới đó, chớ vội lên! Hãy chờ cho qua đợt hoạt động của chúng, đợi thật yên hẵng về!”. Chả là cái “hang nhỏ” của chúng tôi ở lưng chừng núi, nếu đang đi lên mà gặp máy bay Mỹ ập đến thì thật không an toàn. Tiếp đó, tôi gọi điện nhắc các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn xe sắp đi qua trọng điểm.

Tôi miên man suy nghĩ về nhiệm vụ nặng nề của trung đoàn trong chiến dịch vận chuyển mùa khô. Bỗng trên không trung đèn dù địch chói lòa. Tiếng động cơ phản lực của máy bay gầm rú. Những tràng đạn pháo cao xạ của ta bắn lên. Tiếp theo là bom, những loạt bom rung chuyển núi rừng. Ngọn đèn dầu tắt phụt. Quả bom nổ gần làm sạt mất một góc hang. Một tảng đá lớn sập xuống ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Sức ép của bom khiến ngực tôi đau nhói và tức đến nghẹn thở.

Gắng đứng dậy, tôi bỗng giật thót mình vì bàn tay vừa đặt lên một mảnh bom nóng bỏng. Tôi rụt tay lại. Mảnh bom rơi ra, bóc theo một mảng da bàn tay tôi. Rát quá! Tôi phải gỡ băng cá nhân, băng lại vết thương.

Lo cho cậu Nam và cũng không biết anh em mình ở dưới hậu cứ có việc gì không, tôi quay máy gọi. Nhẹ bỗng! Dây ăng ten cũng không còn. Mất liên lạc với dưới nhưng tôi vẫn yên tâm, vì các đơn vị đều đã có kế hoạch tác chiến theo phương án có sẵn.

Loay hoay không biết làm gì trong cái hang tối om và không mấy vững chắc này, tôi tìm chiếc đèn pin, rọi ra xung quanh. Một ý nghĩ chợt đến: “Phải rời khỏi nơi đây!”. Phía trong hang có một cửa thông gió. Biết đâu qua đấy, tôi tìm đến được với anh em ở hang dưới. Rồi giống như một “nhà thám hiểm hang động”, tôi siết chặt dây giày vải, quàng dây đeo đèn pin lên vai và không quên đút vào túi quần một cặp pin mới.

Tôi vừa bấm đèn vừa đi. Lúc đầu khom mình còn đi được, nhưng sau đó, tôi phải nhoài người chui qua một lỗ nhỏ mới vào được bên trong. Có lối rẽ trái, tôi bò tiếp. Bò khoảng vài chục mét thì hết đường.

Tôi quờ quạng xung quanh, bốn phía đều kín như bưng. Không lẽ? Rọi đèn lên trần, thấy một khoảng trống, tôi vội leo lên. Nhưng vách đá trơn quá, phải mấy lần trèo lên, tụt xuống, lại trèo lên nữa, tôi mới tới được đoạn hang phía trên. Nhìn xuống chỗ vừa trèo, thấy sâu thăm thẳm đến ớn lạnh. Nếu phải quay trở lại thì không biết sẽ làm sao đây?

Đèn pin mờ dần. Trong khi dừng lại nghỉ, tôi tạm thời đẩy công tắc tắt đèn, để tiết kiệm pin. Ngồi một mình trong bóng tối, giữa lòng hang sâu, tôi cảm thấy rờn rợn và lo lắng vô cùng.

Trở về lối cũ ư! Làm sao tôi có thể tìm được chỗ đặt bàn chân khi tụt xuống những vách đá cao và trơn tuột lúc nãy? Tay đâu rọi đèn pin, tay đâu bám vách đá để đu mình xuống? Tiến lên nữa ư? Liệu tôi có thể tìm ra được lối thoát trước khi nguồn năng lượng của đôi pin bé nhỏ cạn kiệt? Một giả thiết xấu: nếu không thoát được mà bị kẹt giữa chừng, chết ở đây, ai biết tôi ở đâu mà tìm? Trong thâm tâm, tôi đã bắt đầu nghĩ đến vợ con ở nhà.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-niem-mot-lan-thoat-hiem-o-hang-da-truong-son-post1494939.html
Zalo