Kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (16-7-1930 - 16-7-2025): Phát huy truyền thống cách mạng, vững bước tiến vào thập niên nâng tầm phát triển

Ngày 16-7-1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa và Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ huyện Tân Định đã vận động quần chúng nhân dân tiến hành cuộc biểu tình chính trị chống lại thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai có quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ giành thắng lợi. Phát huy truyền thống cách mạng, tất cả cán bộ, đảng viên, toàn dân, toàn quân trong tỉnh cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng, động lực quan trọng đưa tỉnh Khánh Hòa vững bước tiến vào thập niên nâng tầm phát triển, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.

Cuộc biểu tình lịch sử

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở Đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định (hiện nay là 8 xã, phường mới) phát triển nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình đấu tranh phối hợp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Lúc bấy giờ, Đảng bộ huyện Tân Định có 20 đảng viên và hơn 500 hội viên các đoàn thể quần chúng, có những nơi cơ sở cách mạng phát triển mạnh, như: Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp.

Ngày 12-7-1930, Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ thị chính thức cho Đảng bộ huyện Tân Định tổ chức cuộc biểu tình. Huyện ủy triệu tập các bí thư khu vực đến nhà đồng chí Lê Dung (nay là nhà số 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) họp từ nửa đêm 13-7 đến sáng 14-7. Đồng chí Đỗ Long - Tỉnh ủy viên được phân công về huyện Tân Định cùng với đồng chí Lê Dung chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Hội nghị đã nghe đồng chí Đỗ Long, Lê Dung truyền đạt chủ trương của Xứ ủy, của Tỉnh ủy và bàn biện pháp tổ chức cuộc biểu tình. Để đảm bảo thắng lợi, hội nghị chủ trương huy động tất cả hội viên các hội quần chúng trên địa bàn huyện tham gia, qua đó lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Cuộc biểu tình được tổ chức vào ngày 16-7-1930. Theo kế hoạch, lực lượng quần chúng các khu vực bí mật tập trung tại địa điểm chân núi Ổ Gà phía Đông làng Cây Chò (phường Ninh Hòa ngày nay), từ đó hợp thành lực lượng tổ chức tiến vào phủ đường Tân Định.

Đúng 5 giờ ngày 16-7-1930, đông đảo người dân các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông,... đã tập trung tại vùng núi ổ Gà phía đông làng Cây Chò rồi xuống đường kéo vào huyện lỵ. Đoàn biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Đến huyện lỵ Tân Định số người đã trên 1.000 người. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đả đảo khủng bố”, “Giảm sưu, giảm thuế, bỏ thuế chợ, tăng giá lúa”, “Ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh”, “ Ủng hộ Liên bang Xô Viết”. Đoàn biểu tình hùng dũng kéo vào bao vây huyện đường, phá nhà giam, thả tù chính trị, đưa yêu sách. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, run sợ, không dám có hành động chống đối, phải cúi đầu chấp nhận ký vào bản yêu sách cách mạng của nhân dân. Thừa thắng, đoàn biểu tình tỏa về các ngả đường biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh, chợ đang đông người cùng tập trung tới nghe. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp đoạt. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, kết thúc thắng lợi cuộc biểu tình.

Tượng đài 16-7 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Ảnh: MẠNH HÙNG

Tượng đài 16-7 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Ảnh: MẠNH HÙNG

Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, hòa vào trào lưu chung của phong trào cách mạng cả nước, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Cuộc biểu tình chứng minh ý thức chấp hành chủ trương của Trung ương một cách nghiêm túc, sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - một Đảng bộ vừa mới thành lập chưa đầy 5 tháng. Đồng thời cũng chứng minh tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa, ngay từ khi có Đảng đã đi theo con đường cách mạng của Đảng. Tinh thần cách mạng của cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, gương chiến đấu của những người đảng viên Đảng Cộng sản và quần chúng giác ngộ luôn được tỏa sáng và có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiện nay và các thế hệ mai sau. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17-12-2002, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định lấy ngày 16-7 hằng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Phát huy truyền thống cách mạng, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy tinh thần ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến và đế quốc xâm lược. Cuộc chiến đấu trải qua những chặng đường khó khăn phức tạp, đầy gian khổ, hy sinh. Vượt qua những mất mát, đau thương, quân, dân Khánh Hòa vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, kiên cường, bền bỉ chiến đấu và đã góp phần xứng đáng cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Suốt gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới đất nước; không ngừng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn. Điểm nhấn đó là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế vượt trội giúp khơi thông tiềm năng để tỉnh bứt phá, phát triển. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được phát huy. Phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đổi mới, sát thực tiễn, chủ động nắm bắt, định hướng dư luận đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tạo sự thống nhất tư tưởng trong xã hội.

Từ một tỉnh còn khó khăn, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã biến chuyển sâu sắc, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Tình hình chính trị ổn định; bức tranh kinh tế - xã hội có những gam màu tươi sáng. Trên cơ sở triển khai đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 09, kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 tăng trưởng bình quân 8,1%/năm; trong đó GRDP năm 2022 tăng 18,9% (cao nhất cả nước), năm 2023 tăng 10,17% (đứng thứ 4 cả nước), năm 2024 tăng 10,16%, xếp thứ 7 cả nước; thu ngân sách hằng năm đảm bảo đạt và vượt dự toán trung ương giao, tiếp tục duy trì là 1 trong 18 tỉnh, thành phố đóng góp ngân sách cho trung ương.

Ngày 1-7-2025, đánh dấu mốc son lịch sử và trọng đại của cả nước nói chung và 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15, ngày 12-6-2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1-7-2025, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Khánh Hòa. Sự kiện này có ý nghĩa mang tầm chiến lược lâu dài, mở rộng không gian phát triển của 2 vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên trên 8.500km2, quy mô dân số trên 2,2 triệu người và có 65 đơn vị hành chính trực thuộc. Việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận đó là tầm nhìn chiến lược về không gian phát triển, về lợi thế so sánh, về sức mạnh nội sinh đánh thức tiềm năng, hiện thực hóa vận hội to lớn của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ, tạo nền tảng cho tỉnh Khánh Hòa mới tăng tốc, bứt phá, nâng tầm phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng cao của cả nước, Nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định cho tỉnh Khánh Hòa trước đó.

Khánh Hòa hôm nay hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tỉnh có nhiều cái nhất: Đường bờ biển dài và đẹp nhất; có nhiều vịnh biển đẹp; cảng nước sâu và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa; là trung tâm năng lượng và năng lượng sạch lớn nhất cả nước... Đặc biệt, lịch sử truyền thống và văn hóa người dân có nhiều nét tương đồng, tiềm năng kinh tế có tính liên kết chặt chẽ, quan hệ hữu cơ và tương tác, bổ trợ mạnh mẽ. Sự kiện hợp nhất 2 tỉnh được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân đồng tình, hồ hởi, phấn khởi. Đây là nhân tố quan trọng nhất, hợp thành sức mạnh tổng hợp to lớn để tỉnh Khánh Hòa vươn lên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp tạo nền tảng phát triển vững chắc, hoàn thành toàn diện, đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm và 50 nhiệm vụ đột phá năm 2025. Toàn tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác (KPI) đối với tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi toàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị trong phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp - thể hiện tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn. Hệ thống chính trị vận hành với phương châm đổi mới, đột phá, chia sẻ cơ hội, đồng hành, hợp tác phát triển. Đây là nhân tố quan trọng nhất, hợp thành sức mạnh tổng hợp to lớn để tỉnh Khánh Hòa bứt phá phát triển trong hành trình mới.

N.D

(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/ky-niem-95-nam-ngay-truyen-thong-dau-tranh-cach-mang-cua-dang-bo-va-nhan-dan-tinh-khanh-hoa-16-7-1930-16-7-2025-phat-huy-truyen-thong-cach-mang-vung-buoc-tien-vao-thap-nien-nang-tam-phat-trien-36831bc/
Zalo