Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2): Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam (Bài 1)

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam và toàn dân ta giành độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân.

Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, thành phố Biên Hòa), vốn 100% Nhật Bản, miệt mài làm việc trong nhà máy. Ảnh: Phương Hằng

Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, thành phố Biên Hòa), vốn 100% Nhật Bản, miệt mài làm việc trong nhà máy. Ảnh: Phương Hằng

Bài 1: Tự hào Đảng ta

Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhìn lại chặng đường 95 năm của Đảng, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác, viết tiếp vào lịch sử của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng những trang vàng chói lọi...

Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2024), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Trong bài viết, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại: khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không cam chịu làm thân phận nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh qua các phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng những con đường với những khuynh hướng khác nhau. Mặc dù đấu tranh kiên cường, đầy tâm huyết và chịu nhiều hy sinh to lớn nhưng do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng, các phong trào đó đã không thành công.

Lịch sử đòi hỏi phải tìm con đường mới. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta) đã ra đi tìm đường cứu nước. Mang trong mình khát vọng lớn lao cháy bỏng, Người đã tìm đến Chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng này con đường cứu nước đúng đắn, con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người đã kiên trì nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và từng bước truyền bá về Việt Nam.

Ngày 3-2-1930, tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Hồng Kông, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam.

Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối; chỉ trong vòng 15 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất", thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách; cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Genève, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng.

Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, vừa phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.

Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Trong đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), Đảng đã đề ra đường lối đổi mới phát triển toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

GS-TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế.

Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực.

Thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7.

Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên, đến Đại hội XIII (2021) Đảng ta có khoảng hơn 5 triệu đảng viên và hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng.

“Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, phù hợp với thời đại và thực tiễn Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”- GS-TS. Trần Văn Phòng, khẳng định.

GS-TS. Trần Văn Phòng chia sẻ thêm, trong quá trình làm việc, ông đã tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế, họ đã đánh giá cao về Đảng ta.

Như ông Philip Fernandez, đảng viên Đảng Cộng sản Canada, trong Hội thảo kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Uy tín và vị thế cao của Việt Nam trên trường quốc tế đã phản ánh sức mạnh chính trị và ý thức hệ của Đảng, cũng như khả năng tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tìm ra phương hướng trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, và cùng với sự tham gia của nhân dân để đưa ra chương trình nghị sự nhằm xây dựng một nước Việt Nam hiện đại.

Trong khi đó, Giáo sư Kolotov (Đại học Tổng hợp quốc gia Sant Peterburg của Nga) nhấn mạnh, Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế cao như hiện nay, điều này đạt được là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm. Rõ ràng là, hiện thực hóa hệ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Đảng và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202501/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-vinh-quang-dang-cong-san-viet-nam-bai-1-8e91fb4/
Zalo