Kỷ Niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam(Tiếp theo kỳ trước)
Ngay sau khi giành chính quyền, đội ngũ cán bộ của Đảng và Mặt trận Việt Minh cùng với lực lượng nòng cốt ở mỗi địa phương đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố ủy ban cách mạng lâm thời các cấp trong tỉnh; nâng cao sức dân; tăng cường chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Ngày 8/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và HĐND các cấp. Ngày 6/1/1946, bầu cử Quốc hội được tiến hành trong phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của các tổ chức đảng và Mặt trận Việt Minh các cấp, nhân dân Hà Nam hân hoan, phấn khởi tham gia ngày hội lớn của dân tộc. Trong khí thế vô cùng phấn khởi trước thắng lợi của cuộc bầu cử, ngày 11/1/1946, Ban Cán sự Đảng, chính quyền và nhân dân Hà Nam lại tưng bừng đón chào Hồ Chủ tịch về thăm. Hồ Chủ tịch căn dặn, động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần đoàn kết, chống giặc ngoại xâm, trừ nạn đói, bảo vệ nền độc lập, tự do.
Sau bầu cử Quốc hội, từ trung tuần tháng 1 đến tháng 3/1946, tổ chức đảng cùng Mặt trận Việt Minh các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân tiến hành thành công cuộc bầu cử HĐND tỉnh, huyện, xã. Tháng 4/1946, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ (tại Phù Đê, Tượng Lĩnh, Kim Bảng) để chỉ đạo công tác phát triển Đảng. Đến cuối năm 1946, số lượng đảng viên tăng nhanh, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập các ban huyện ủy lâm thời ở 5 huyện.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngay sau bầu cử Quốc hội, Tỉnh ủy Hà Nam tập trung chỉ đạo HĐND các cấp tiến hành kiện toàn bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã; đồng thời tập trung xây dựng, phát triển mạnh LLVT để bảo vệ thành quả cách mạng.
Tháng 10/1946, Tỉnh ủy Hà Nam triệu tập hội nghị ở Phù Đê (Tượng Lĩnh, Kim Bảng): quán triệt chủ trương của Trung ương, tranh thủ thời gian tạm thời hòa hoãn để xây dựng, củng cố, phát triển mọi lực lượng chuẩn bị kháng chiến.
Ngày 20/12/1946, ngay sau Lời “Kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Thấu suốt đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam (họp tại Duy Tiên) đã triển khai đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng, củng cố lực lượng về mọi mặt; lãnh đạo nhân dân Hà Nam cùng nhân dân cả nước đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất các LLVT trong tỉnh, tháng 3/1947, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập cơ quan Tỉnh đội Dân quân Hà Nam (tại Đình Bông, Phù Đê, Tượng Lĩnh, Kim Bảng). Các huyện đội, xã đội dân quân cũng lần lượt ra đời ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy họp tại Duy Tiên, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam dốc toàn lực vào công cuộc vừa kháng chiến, vừa phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc kháng chiến, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được kiện toàn, củng cố. Công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh, nhất là đợt phát triển “lớp đảng viên Tháng Tám” theo Chỉ thị của Trung ương (từ 19/8 đến 2/9/1947), tập hợp, thu hút những hạt nhân tích cực, trung thực, hăng hái, tán thành chủ nghĩa cộng sản... vào tổ chức đảng. Đến cuối năm 1947, toàn đảng bộ đã có 1.333 đảng viên; chi bộ đảng được xây dựng ở hầu hết các xã, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng tại địa bàn cơ sở nông thôn.
Tháng 11/1947, Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính từ tỉnh đã hợp nhất thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính, khối đại đoàn kết càng được tăng cường, mở rộng. Cũng từ tháng 11/1947, sau Hội nghị “vùng tiền tuyến”, Ban chỉ đạo tiền phương tỉnh Hà Nam được thành lập do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo nhằm thực hiện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động đấu tranh trực diện với kẻ thù. Tiếp đó, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị thành lập các đội tuyên truyền vũ trang, vừa đánh địch, vừa giúp đỡ cơ sở củng cố, đẩy mạnh phong trào “kháng chiến toàn dân, toàn diện”. Để tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền trong vùng địch tạm chiếm, Tỉnh ủy chủ trương thành lập “Ban đặc biệt” có nhiệm vụ giúp các cơ sở trấn áp bọn phản động, củng cố, phát triển LLVT.
Ngày 18/12/1948, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị, đề ra chủ trương: Tăng cường phòng ngự, đẩy mạnh tiêu thổ kháng chiến; Đánh mạnh vào các vị trí của địch; Nâng cao năng lực tác chiến của LLVT; chống gián điệp, nội phản…
Giai đoạn 1950-1954, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo nhân dân và các LLVT thực hiện giữ đất, giành dân, mở rộng chiến tranh du kích. Thực hiện chủ trương của Liên khu ủy, Tỉnh ủy Hà Nam ra Chỉ thị “Tích cực chống càn, giữ vững khu du kích”; đồng thời tranh thủ thời cơ, xốc tới thắng lợi cuối cùng; giải phóng hoàn toàn quê hương vào tháng 7/1954.
Bước sang một giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ Hà Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân bắt tay khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố tổ chức đảng, trong đó có những nhiệm vụ hết sức quan trọng: lãnh đạo thực hiện cải cách ruộng đất, bước đầu khôi phục kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn này, đảng bộ, nhân dân Hà Nam rất vinh dự đón nhận sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ kính yêu. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/71957, đảng bộ, nhân dân Hà Nam vinh dự được Bác Hồ gửi thư thăm hỏi, động viên Trại thương binh Hà Nam (nay là Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên). Tiếp đó, ngày 14/1/1958, Bác Hồ đã về dự hội nghị chống hạn và đi thăm, động viên cán bộ, nhân dân đang lao động trên công trường đắp đập thủy lợi Cát Tường (nay thuộc Bình Mỹ, Bình Lục).
Những kết quả quan trọng của giai đoạn khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân sau ngày giải phóng là tiền đề quan trọng để đảng bộ, nhân dân Hà Nam bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Theo đó, quán triệt Nghị quyết 14 và Chỉ thị 57 của Trung ương, Tỉnh ủy Hà Nam đã đề ra chủ trương củng cố, phát triển mô hình tổ đổi công, thí điểm xây dựng hợp tác xã và mở rộng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Ở khắp các địa phương trong tỉnh, hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp do cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách xây dựng, nhân rộng đã phát huy hiệu quả tích cực.
Từ ngày 23 đến ngày 27/1/1959, Đảng bộ tỉnh Hà Nam tiến hành Đại hội lần thứ III. Đây là đại hội đầu tiên sau giải phóng, có nhiệm vụ quan trọng là đề ra phương hướng, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng. Đại hội đề ra phương hướng: tiến hành cải tạo, phát triển kinh tế trên cả ba mặt nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, qua đó cải thiện đáng kể đời sống kinh tế, xã hội ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Tháng 9/1960, Đại hội Đảng lần thứ III đã đề ra đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xác lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; đồng thời lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng ở miền Bắc.
Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng của Hà Nam trong các thời kỳ hợp nhất Nam Hà (1965-1975); Hà Nam Ninh (1976-1992); Nam Hà (1992-1996)... đã hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng với những nhiệm vụ trọng tâm cho mỗi thời kỳ, giai đoạn cụ thể, như: Vừa chiến đấu, vừa sản xuất và khôi phục kinh tế (1965-1971); đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), tranh thủ thời bình, chuyển hướng phát triển kinh tế phù hợp với tình hình cụ thể (1969-1971); đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Đế quốc Mỹ (1972); đẩy mạnh sản xuất giải quyết những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống và chi viện cách mạng miền Nam (1973-1975).
(Còn nữa)