Kỷ Niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam(Tiếp theo kỳ trước)
* Tháng 10/1930, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất, kiểm điểm đánh giá tình hình từ khi Đảng ra đời; thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo; quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương; bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Quán triệt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, thi hành Chỉ thị của Xứ ủy và để chắp nối lại toàn bộ cơ sở cách mạng, thống nhất chỉ đạo phong trào toàn tỉnh sau các cuộc khủng bố của địch, ngày 22/1/1931, đồng chí Lê Công Thanh triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam tại Lũng Xuyên (Duy Tiên), có đại biểu của Xứ ủy và 13 đại biểu các huyện, thị xã tham dự. Tại Hội nghị các đại biểu đã được học tập Luận cương chính trị, nghiên cứu Điều lệ, nghe thông báo về việc đổi tên Đảng, kiểm điểm tình hình, nhất là từ khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng thời đề ra những chủ trương mới.
Hội nghị tổ chức vào thời điểm địch điên cuồng chống phá phong trào cách mạng do vậy chủ trương của Đảng bộ trong tình hình mới hết sức cụ thể. Ngoài tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục quần chúng, củng cố, phát triển Đảng và tổ chức quần chúng, nhất là Nông hội đỏ, hội nghị bàn đến vấn đề đấu tranh nội bộ, chống những biểu hiện tư tưởng tả hoặc hữu khuynh trong Đảng; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đảng viên trong lãnh đạo quần chúng đấu tranh, sâu sát cơ sở, củng cố chất lượng phong trào. Hội nghị quyết định ra tờ báo Đỏ - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng cho đảng viên, quần chúng.
Hội nghị đã bầu Ban Tỉnh ủy chính thức gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Công Thanh là Bí thư. Sau hội nghị, phong trào đấu tranh trong tỉnh có bước chuyển biến mới. Cán bộ, đảng viên tin tưởng vào đường lối của Đảng, tích cực hoạt động theo chủ trương của hội nghị thành lập Tỉnh ủy chính thức. Các đồng chí trong Ban Tỉnh ủy được phân công phụ trách địa bàn nhanh chóng truyền đạt nghị quyết xuống cơ sở. Các biện pháp củng cố Đảng, phục hồi cơ sở, tuyên truyền, vận động, lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh được các huyện bàn bạc, thực hiện nhanh chóng.
Sau cuộc khủng bố ở Bình Lục, các đồng chí lãnh đạo phân công nhau về cơ sở chắp nối, bắt liên lạc với những đảng viên còn lại. Ở Duy Tiên là nơi phong trào mạnh, lãnh đạo huyện phát huy truyền thống đấu tranh kiên quyết với kẻ thù, chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức giác ngộ của quần chúng. Đảng bộ hướng quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi trước mắt, bài trừ hủ tục lạc hậu gián tiếp đánh vào bọn hương lý kỳ hào… qua đó, khẳng định vị trí của Đảng trong lòng quần chúng, tạo niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Mặc dù địch đàn áp, khủng bố nhưng phong trào đấu tranh của nông dân vẫn phát triển không ngừng. Thực dân Pháp xoa dịu, mua chuộc, lôi kéo những người nhẹ dạ, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, gieo rắc hoài nghi trong quần chúng; đưa tay chân chui vào hàng ngũ cách mạng để chống phá; tổ chức phản tuyên truyền làm giảm uy tín của Đảng. Cuộc đấu tranh của Đảng bộ trên mặt trận tư tưởng chống lại các luận điệu xảo quyệt của địch cũng rất quyết liệt, vì vừa phải vũ trang lý luận cơ bản, vừa nâng cao nhận thức cho đảng viên về Đảng, chủ nghĩa Cộng sản, cách mạng vô sản. Yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách, Ban Tỉnh ủy đã cho in cuốn “Cộng sản vấn đáp”, kịp thời đấu tranh chống những luận điệu phản tuyên truyền của địch. Báo Đỏ của Đảng bộ được xuất bản đều đặn (một tháng hai kỳ), khi nhiệm vụ chính trị đột xuất thì ra số đặc biệt. Nội dung báo phong phú nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, thông báo tin tức, xã luận, truyện ngắn... Các lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên được tăng cường tổ chức. Những nội dung về Chính cương, Điều lệ, Cách mạng tư sản dân quyền do đồng chí Trần Phú khởi thảo, phương pháp vận động quần chúng... được cán bộ, đảng viên lĩnh hội đầy đủ, sâu sắc.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Tỉnh ủy, mặt trận tư tưởng đã đạt được hiệu quả quan trọng. Trong hoàn cảnh hoạt động hết sức khó khăn, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh chung của toàn tỉnh.
(Còn nữa)
(Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam 1927-1975)