Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam(Tiếp theo kỳ trước)
Khi tổ chức và phong trào phát triển rộng khắp, các chi bộ chủ trương vận động quần chúng đấu tranh đòi giảm sưu, thuế, bãi bỏ hội đồng hương chính và sổ chi thu làng… thông qua mít tinh, biểu tình, diễn thuyết đông người… Ngày 22/8/1930, Chi bộ Hưng Công (Bình Lục) tập hợp gần 300 người, kéo lên huyện đường, vạch tội bọn kỳ hào, đòi phế bỏ hội đồng hương chính, bỏ sổ chi thu, đòi tiền đắp đê… Tiếp đó, ngày 25/8/1930, Chi bộ Ngọc Lũ vận động gần 500 người kéo lên huyện, làm bản yêu sách và cùng ký tên, điểm chỉ, buộc tri huyện phải nhận yêu sách, hứa giải quyết. Các chi bộ ở Duy Tiên tổ chức mít tinh, diễn thuyết giới thiệu sự ra đời của Đảng Cộng sản, ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, vận động quần chúng đấu tranh. Lớn nhất là cuộc mít tinh ở đền Lảnh (xã Mộc Hoàn) tháng 9/1930. Các chi bộ tranh thủ ngày hội đền, tập trung đông người để tổ chức biểu tình, tuần hành, diễn thuyết, tố cáo tội ác của đế quốc, phong kiến, hô hào chống sưu cao thuế nặng, đòi ruộng đất, áo cơm.
Ở Lý Nhân, chi bộ vận động quần chúng biến cuộc rước đuốc đêm trung thu của trẻ em làng Mạc Thượng (Công Lý) thành cuộc biểu tình đả đảo cường hào gian ác, được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Tại Phủ Lý, chi bộ Đảng lãnh đạo tiểu thương làm đơn đòi bỏ phạt, giảm thuế, sửa sang chợ...
Những cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng bước đầu giành được một số thắng lợi, qua đó tập dượt cho quần chúng phương pháp đấu tranh chính trị kết hợp đòi quyền lợi về kinh tế; đồng thời rèn luyện năng lực tổ chức, lãnh đạo cho các đảng viên, tiến tới đấu tranh ở mức cao hơn.
Sau khi thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản ở cả 6 huyện, thị, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo chung trong toàn tỉnh. Trước tình hình đó, Xứ ủy đã chỉ đạo kịp thời về việc thành lập Đảng bộ. Thi hành Chỉ thị của Xứ ủy Bắc kỳ, đồng chí Lê Công Thanh đã xúc tiến chuẩn bị tổ chức Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam. Tháng 9/1930, tại Lũng Xuyên, Yên Bắc, Hội nghị họp với sự có mặt của đại biểu các huyện, thị, ra chủ trương: Đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng; đồng thời phát triển các tổ chức quần chúng, nhất là Nông hội đỏ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quần chúng chống thực dân, phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày: quyết định lập cơ sở in và ra báo Đảng lấy tên là Dân Cày. Hội nghị đã cử Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam gồm ba đồng chí (Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Duy Huân) do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư.
Đây là sự kiện lịch sử to lớn, đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Hà Nam, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng trong toàn tỉnh. Từ sau hội nghị, phong trào cách mạng Hà Nam có bước tiến lớn. Các chi bộ kết nạp được nhiều đảng viên mới. Các tổ chức: Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Học sinh đoàn... được xây dựng, phát triển nhanh chóng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên, mở rộng ảnh hưởng của Đảng được các chi bộ chú ý. Không chỉ treo cờ Đảng, rải truyền đơn, diễn thuyết, một số chi bộ lập cơ sở in để in lại truyền đơn, báo chí của cấp trên.
Như vậy, từ khi Việt Nam Cách mạng Thanh niên thâm nhập vào địa phương (1927) đến sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nam, là khoảng thời gian không dài nhưng đủ minh chứng cho sự phát triển không ngừng, phù hợp với xu thế lịch sử của phong trào cách mạng ở Hà Nam. Là vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, Hà Nam sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin truyền bá vào tỉnh qua tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đông Dương Cộng sản Đảng. Quá trình tuyên truyền, xây dựng tổ chức đã tiến lên mít tinh, biểu tình đấu tranh trực diện với kẻ thù, chứng tỏ tinh thần cách mạng của nhân dân Hà Nam. Tinh thần cách mạng đó đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, vào sự nghiệp của Đảng để giành độc lập dân tộc, tự do, cơm áo, hòa bình cho nhân dân.
(Còn nữa)