Kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025) Báo chí thời dựng Đảng

Theo kế hoạch của Trung ương: Năm 2030, cả nước sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đến năm 2045, Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những đỉnh cao mới phải chinh phục để cụ thể hóa tuyên ngôn của Đảng là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Tổng biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn (trái) giới thiệu với Đoàn công tác của Báo Đồng Nai về các hoạt động tại Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: An An

Tổng biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn (trái) giới thiệu với Đoàn công tác của Báo Đồng Nai về các hoạt động tại Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: An An

Chính vì thế, năm 2025 này, kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng, mà không nhắc đến báo chí thời dựng Đảng, dựng nước sẽ là một thiếu sót lớn của lớp hậu bối hôm nay...

Tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời

Như Lê-nin đã chỉ ra: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không có phong trào gọi là chính trị”. Người đã lãnh đạo cuộc cách mạng làm nên “10 ngày rung chuyển thế giới” cũng nói: “Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”.

Chính vì để có một phong trào chính trị có nguyên tắc và toàn diện, chuẩn bị cho ra đời một đảng chính trị của những người cần lao vô sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung tâm sức làm 2 việc lớn: Một là, lập ra tổ chức Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội và xuất bản tờ báo Thanh Niên để làm diễn đàn chính trị cho tổ chức này.

Kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là thời gian chúng ta kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng với lòng kính nhớ, biết ơn lớp lớp đảng viên, nhà báo, chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Nhớ đến báo chí thời dựng Đảng, lớp nhà báo hậu bối bùi ngùi kính nhớ nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người khai sáng và rèn luyện nền báo chí cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Sau 4,5 năm, tính từ tháng 6-1925, tương đương với hơn 1.400 ngày, Người đã mở các lớp nghiên cứu về chủ thuyết Mác - Lê-nin, nội dung, phương pháp tiến hành đấu tranh cách mạng cho chủ yếu là số thanh niên vốn có học thức, giàu lòng yêu nước của Tâm Tâm xã của cụ Phan Bội Châu và Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh - những hạt giống đỏ đã được gieo về nước trên những mảnh đất màu mỡ lòng yêu nước. Cùng lúc đó, cụ thể là ngày 21-6-1925 - sau một thời gian chuẩn bị, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản tờ báo Thanh Niên - tờ báo chính trị để thúc đẩy việc xây dựng một tổ chức chính trị mang tính mác-xít, tức một đảng cách mạng có đủ phẩm chất chính trị và năng lực chính trị làm nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp bằng việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nếu nội dung những bài giảng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin hay phương pháp tiến hành đấu tranh cách mạng (được tập hợp lại in thành sách Đường Kách Mệnh) chỉ truyền đạt đến vài chục thanh niên yêu nước (mỗi khóa) nhưng những nội dung này được đăng trên báo Thanh Niên sau đó, thì sự lan tỏa rất rộng, đi rất xa… về tận Cao Bắc Lạng, Hà Nội, Sài Gòn, Cao Lãnh, Cần Thơ, Cà Mau…, đã góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là lớp thanh niên có học thức, đang khao khát một chân trời mới.

Có thể khẳng định, báo Thanh Niên ra số 1, ngày 21-6-1925, với 88 số báo (trong vòng 6 năm) đã hoàn thành sứ mệnh trong việc chuẩn bị về lý luận, chính trị và tổ chức cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động Việt Nam. Nói rộng ra, báo Thanh Niên đã góp phần to lớn trong việc chuẩn bị năng lượng tinh thần và lực lượng vật chất để dân tộc Việt Nam làm nên Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một cách thuận lòng dân, hợp hiến, hợp pháp theo xu hướng của thời đại trong việc tự quyết xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Từ tổ chức Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội đến Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam phải hoạt động bí mật do bị khủng bố gắt gao đến việc Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành quốc khách của các cường quốc tư bản là một tiến bộ đặc biệt vượt bậc, trở thành hiện tượng hiếm thấy trong Phong trào Cộng sản quốc tế. Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân một nước độc lập, tự tay cầm lá phiếu tự do tự quyết định nhà nước của mình cũng là bước tiến dài, rất dài trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền - pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lá cờ búa liềm và lá cờ đỏ sao vàng từ chỗ chỉ âm thầm cắm trong tim nhân dân, đến nay đã phất phới tung bay khắp nơi trên đất nước Việt Nam độc lập. Riêng lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc đã hiên ngang đứng cạnh cờ các nước lớn ở trụ sở Liên hợp quốc và ở 198 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam… là một thành tích cực kỳ lớn, có công lao đóng góp của báo chí cách mạng từ thời dựng Đảng, dựng nước cho đến ngày nay.

Góp phần giác ngộ lý tưởng cách mạng

Cùng với báo Thanh Niên, tờ báo dành cho đối tượng độc giả là giới trẻ, Nguyễn Ái Quốc còn xuất bản các tờ Kông Nông (năm 1928), Lính Kách Mệnh (năm 1927) với nội dung cụ thể, dành cho đối tượng cụ thể mà ngày nay chúng ta có thể hình dung đó là phụ bản của tờ báo chính thống.

Qua các bài giảng của Già Vương tức Lý Thụy - Lý An Nam - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và sự tác động sâu sắc của báo Thanh Niên và các tờ báo khác, một lớp thanh niên ưu tú đã được: “Mặt trời chân lý chói qua tim”, giúp cho họ nhận ra, nâng từ chủ nghĩa yêu nước lên chủ nghĩa yêu nước chân chính, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin chân chính nên chỉ mấy năm sau (từ tháng 6-1929 đến tháng 1-1930) các tổ chức cộng sản như: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã ra đời ở trong nước. Theo đường lối mà Nguyễn Ái Quốc truyền đạt, các Đảng Cộng sản kể trên cũng chủ trương xuất bản báo chí để là vũ khí tuyên truyền chính trị tư tưởng. Chẳng hạn, Đông Dương Cộng sản Đảng xuất bản báo Búa Liềm, Tổng Công hội Bắc Kỳ do Đảng lãnh đạo cũng cho ra báo Lao Động; An Nam Cộng sản Đảng cho ra đời báo Bolsevich, tạp chí Đỏ ở Sài Gòn và báo Đỏ ở nước ngoài…

Rồi các tỉnh ủy, thành ủy, chi bộ, kể cả các đảng viên bị giam cầm trong các nhà tù của thực dân ở Hỏa Lò, Sơn La, Kon Tum, Chí Hòa, Côn Lôn… cũng ra báo để bày tỏ chính kiến, giác ngộ quần chúng. Người ta tính rằng: Trong giai đoạn từ năm 1925-1929, có khoảng 50 tờ báo, tạp chí cách mạng của Đảng hoặc do Đảng lãnh đạo đã ra đời với các dạng thức khác nhau nhưng có nội dung thống nhất là giác ngộ quần chúng, đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, chống các khuynh hướng chính trị lệch lạc…

Sau khi thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng vẫn chủ trương xuất bản báo chí bí mật, báo hợp pháp, công khai, có tiếng Việt và lẫn tiếng Pháp để làm vũ khí giác ngộ nhân dân, tập hợp lực lượng quần chúng, nhất là giai đoạn 1936-1939, báo chí cách mạng hoạt động thật sôi nổi ở các cấp độ Trung ương Đảng, xứ ủy, tỉnh ủy, thành ủy… Đặc biệt, 2 tờ Cờ Giải Phóng và Dân Chúng (bằng tiếng Việt và tiếng Pháp) ra đời trong giai đoạn 1941-1942 có vai trò to lớn trong việc tập hợp, tổ chức lực lượng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vào thời điểm ấy, nước ta có hơn 20 triệu dân (trước đó hơn 2 triệu người đã bị chết đói) ốm yếu cả thể lực lẫn trí lực, vì bị 3 tên giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm siết cổ đến nghẹt thở bởi 3 cái tròng: thực dân, phát xít và phong kiến. Nhưng họ lại rất giàu lòng yêu nước nên “chân đi không… quyết tiến ra trận tiền”.

Sự giàu có về lòng yêu nước của nhân dân lại được những người Cộng sản tổ chức, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Việt Minh tạo nên sức mạnh như triều dâng, bão nổi quét sạch thực dân, phát xít và phong kiến Nam triều, lập nên nhà nước nhân dân. Bình quân, có hơn 4 ngàn người dân thì có một đảng viên làm hạt nhân, nòng cốt lãnh đạo đứng lên phất cờ giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là 5 ngàn hạt giống đỏ - đảng viên cộng sản ở các chi bộ cộng sản trong cả nước là sản phẩm của 15 năm được trui rèn trong đấu tranh từ khi bước lên vũ đài chính trị (3-2-1930) và 20 năm giác ngộ lý tưởng qua sự dẫn dắt của báo chí cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Mai Sông Bé

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202502/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2025-bao-chi-thoi-dung-dang-c775a60/
Zalo