Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025):Bước ngoặt của phong trào cách mạng nơi trái tim đất nước
Cùng chung niềm tự hào kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), chỉ còn ít ngày nữa, thành phố Hà Nội sẽ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (17/3/1930 - 17/3/2025).
Gần một thế kỷ đi qua, chúng ta càng thấm thía chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, càng thấy rõ ý nghĩa to lớn về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong dòng chảy lịch sử ấy, sự kiện thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội là mốc son đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng ở địa bàn trung tâm, nơi trái tim đất nước.

Dưới sự lãnh đạo chủ động, sáng suốt của Đảng bộ thành phố, Hà Nội đã sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, cùng cả nước vững bước trên con đường phát triển. Ảnh: Viết Thành
1. Vào đầu thế kỷ XX, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Hà Nội cũng như cả nước chịu cảnh áp bức, bóc lột nặng nề. Phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động bùng lên khắp nơi, nhưng còn thiếu tổ chức lãnh đạo chặt chẽ và đường lối đúng đắn. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy lâm thời. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội, đảng bộ đầu tiên trên cả nước; đồng thời đặt nền móng cho sự lãnh đạo thống nhất và tiến bộ của phong trào cách mạng trên địa bàn Hà Nội.
Trước khi Đảng bộ Hà Nội ra đời, các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và trí thức còn mang tính tự phát, chưa có sự chỉ đạo thống nhất. Nhưng sau ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Trong đó, Đảng bộ Hà Nội đã trực tiếp lãnh đạo các cuộc đình công lớn của công nhân ở các nhà máy, đưa đấu tranh giai cấp lên một bước phát triển mới; tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh chống lại chế độ thực dân, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước của nhân dân.
Bất chấp bị địch đàn áp dã man, tổ chức tan rã, lập đi lập lại nhiều lần, Đảng bộ Hà Nội đã cho thấy bản lĩnh và ý chí kiên cường, bất khuất, xứng đáng với truyền thống của Thăng Long - Hà Nội anh hùng. Cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19-8-1945 là đỉnh cao cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước. Quân lệnh khởi nghĩa của Trung ương phát đi từ ATK “Thủ đô kháng chiến”, nhưng do điều kiện khó khăn lúc đó, Quân lệnh chưa về tới Hà Nội. Song, nắm bắt thời cơ đến, bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, chỉ với gần 50 đảng viên, Đảng bộ Hà Nội đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng dậy, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội đã chứng minh vai trò lãnh đạo, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ thành phố.
Không ngừng củng cố tổ chức và lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn làm tròn trách nhiệm chính trị, lãnh đạo Thủ đô thực sự là ngọn cờ đầu trên các mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, quân và dân Hà Nội kiên cường bảo vệ thành quả cách mạng, tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân, dân Hà Nội đã tạc vào những trang vàng lịch sử dân tộc. Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong bối cảnh vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược; lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Sau đại thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975), đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, khôi phục, phát triển đất nước sau chiến tranh; rồi cùng với quân, dân cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gần 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực, bền bỉ cùng với nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và lực mới cho sự phát triển đi lên của Thủ đô.
Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, hợp nhất tỉnh Hà Tây, chuyển huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) vào Hà Nội, Đảng bộ thành phố càng thêm lớn mạnh. Hơn 16 năm qua, tiếp nối truyền thống cách mạng đầy vinh quang, Đảng bộ Thủ đô tiếp tục thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế; đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.
Hà Nội luôn xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế. Thành phố có nhiều đổi mới, sáng tạo, luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Hà Nội không chỉ là tấm gương, nơi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước gửi trọn niềm tin yêu và hy vọng, nhất là trong lúc khó khăn, thử thách; mà còn thực sự là một cực tăng trưởng, nguồn cảm hứng cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Quy mô nền kinh tế Thủ đô năm 2024 gấp khoảng 100 lần những năm đầu đổi mới, đạt gần 59 tỷ USD, chiếm hơn 1/10 quy mô kinh tế cả nước.
Sau 95 năm, từ lúc chỉ có vài đảng viên cốt cán, Đảng bộ thành phố Hà Nội - đảng bộ đầu tiên của cả nước đã trở thành đảng bộ lớn nhất nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 3.100 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 16.200 chi bộ và hơn 485.000 đảng viên.
3. Ở thời điểm tròn 95 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đang chuẩn bị có bước chuyển mình mạnh mẽ với quyết tâm gương mẫu, đi đầu, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố kết nối toàn cầu. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, thành phố tập trung phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Hà Nội cũng cam kết phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, bảo tồn bản sắc Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội đang đi đầu trong các chính sách phát triển xanh, thân thiện với môi trường, hướng tới một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống.
Thành phố đang tập trung chỉ đạo nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 và các quy hoạch chiến lược (Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065). Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cơ sở để Hà Nội vươn lên tầm cao mới.
Với sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo chủ động, sáng suốt của Đảng bộ thành phố, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, Hà Nội đã sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, cùng cả nước vững bước trên con đường phát triển, khẳng định vị thế xứng đáng là Thủ đô văn hiến, anh hùng và sáng tạo.