Kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024): Bồi đắp tình yêu di sản văn hóa cho học sinh

Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa. Trong những năm gần đây, các điểm di sản, các thiết chế văn hóa đều có thể trở thành địa điểm học tập mà học sinh tất cả lứa tuổi có thể đến trực tiếp trải nghiệm.

Xóm biển Cồn chà qua nét nét của tuổi thơ

Xóm biển Cồn chà qua nét nét của tuổi thơ

Di sản qua sắc màu tuổi thơ

Hội thi sáng tác tranh với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” năm 2024 do Bảo tàng tỉnh tổ chức, vừa tiến hành trao giải tại Di tích tháp Pô Sah Inư, đã thực sự gây ấn tượng không chỉ với học sinh, giáo viên tham dự mà cả với nhiều du khách khi đến đây. Giữa không gian thoáng đãng tại tháp, 64 tác phẩm đạt giải, trong tổng số 836 tác phẩm của học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, thuộc 53 trường học toàn tỉnh gửi về, cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các em cũng như giáo viên các trường về chủ đề di sản văn hóa dân tộc.

Dưới con mắt hồn nhiên của trẻ các di tích, lễ hội, thắng cảnh dường như trở nên mềm mại, rất thơ

Dưới con mắt hồn nhiên của trẻ các di tích, lễ hội, thắng cảnh dường như trở nên mềm mại, rất thơ

Dưới con mắt hồn nhiên của trẻ thơ, các di tích, lễ hội, thắng cảnh, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trong tỉnh dường như trở nên mềm mại, rất thơ và màu sắc. Đó là màu của các loại viết chì, sáp, bột nước, sơn dầu, đến hàng chục loại cát, hạt gạo, hạt đậu... và cả vải vụn, được những bàn tay nhí khéo léo sắp đặt, cắt chỉnh vừa vặn.

Ngắm từng bức vẽ, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh đánh giá cao sự sáng tạo của các em học sinh và sự quan tâm của trường học đối với chủ đề này. Điều đó cho thấy di tích, văn hóa, lịch sử chẳng hề khô cứng, khó tiếp cận, khó nhớ, một khi biết kết hợp các giờ học, hoạt động ngoại khóa trở thành sân chơi phù hợp với học sinh từng lứa tuổi, từng cấp học sẽ tạo sức hút và lan tỏa đến thế hệ trẻ.

Những tác phẩm đạt giải sẽ được Bảo tàng tỉnh đưa đi trưng bày lưu động

Những tác phẩm đạt giải sẽ được Bảo tàng tỉnh đưa đi trưng bày lưu động

“Những tác phẩm đạt giải sẽ được Bảo tàng tỉnh đưa đi trưng bày lưu động tại các trường học trên địa bàn tỉnh trong những năm tới và trưng bày tại Di tích tháp Pô Sah Inư để phục vụ du khách đến tham quan, thưởng lãm. Qua đó góp phần vào việc quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, hình ảnh con người Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước”, ông Đoàn Văn Thuận nói.

Thay đổi cách giáo dục và tiếp cận di sản

Công tác giáo dục về di sản văn hóa những năm gần đây được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm triển khai đến các trường học. Nội dung giáo dục về văn hóa – lịch sử được tích hợp trong bộ tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp biên soạn. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường... trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc triển khai giảng dạy trên lớp, các trường còn tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan thực tế, giới thiệu về văn hóa địa phương cho học sinh.

Trường tiểu học Xuân An tổ chức cho học sinh đi thăm quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Trường tiểu học Xuân An tổ chức cho học sinh đi thăm quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) là một trong những ngôi trường tiểu học trong tỉnh rất chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống. Hàng năm, nhà trường đều có kế hoạch tổ chức cho học sinh các khối đến di tích văn hóa, lịch sử như Trường Dục Thanh, Bảo tàng tỉnh, tháp Pô Sah Inư, Khu Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ và xem đây như môn học giáo dục kỹ năng sống cho các em. Được chạm tay vào từng lớp gạch, nhìn rõ hơn hiện vật từ các công trình kiến trúc, phòng trưng bày, nơi thờ tự, cảnh quan... đã cung cấp cho cả giáo viên và học sinh những hiểu biết về quá trình phát triển, môi trường tự nhiên gắn với di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Từ đó có cơ hội để điều tra, nghiên cứu, trao đổi và duy trì việc tiếp cận với đời sống của di sản, cũng như có hành động đúng đắn với di sản ngay trong cuộc sống đời thường.

Học sinh nghe thuyết minh tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Học sinh nghe thuyết minh tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Di sản văn hóa có ở khắp mọi nơi. Nơi nào có cộng đồng dân cư thì ở đó có di sản. Đó là đình làng, ngôi miếu thờ hay ngôi chùa của dân tộc mình. Đó là các tri thức dân gian về ẩm thực, về sản xuất, nghề thủ công, các phong tục tập quán. Học sinh có thể tiếp cận dễ dàng với các nhân chứng lịch sử và những ký ức của các già làng, trưởng bản, các cựu chiến binh tham gia thời kháng chiến chống Mỹ…

Chúng ta có nhiều cách tiếp cận di sản và biện pháp áp dụng linh hoạt vào các chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường. Tùy theo điều kiện và đối tượng mà khuyến khích các hình thức giáo dục khác nhau. Ở thành phố thì đến với các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa. Ở vùng núi có các đình làng, làng nghề, di sản thiên nhiên và đặc biệt là những con người nắm giữ các tri thức và nghệ thuật dân gian.

Học sinh tại Bắc Bình trải nghiệm làm bánh gừng

Học sinh tại Bắc Bình trải nghiệm làm bánh gừng

Chính cách thức giáo dục ấy sẽ giúp học sinh và những người trẻ tiếp cận với di sản văn hóa của địa phương theo hướng hiệu quả thực chất. Và kiến thức được bồi đắp từ thực tế thấm sâu trong tâm trí của các bạn nhỏ, để thế hệ hôm nay tiếp nối quá khứ, gìn giữ những di sản vô giá cho mai sau.

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Liên Hương 2 thăm quan tại Tháp Pô Sah Inư

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Liên Hương 2 thăm quan tại Tháp Pô Sah Inư

Học sinh nghe giới thiệu về các hiện vật văn hóa dân tộc.

Học sinh nghe giới thiệu về các hiện vật văn hóa dân tộc.

Đến cuối năm 2023, Bình Thuận có 28 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia và 49 di tích được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đồng thời có 4 di sản được Bộ đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức; Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú; Lễ hội dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến. Đặc biệt Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm thôn Bình Đức đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-79-nam-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-23-11-1945-23-11-2024-boi-dap-tinh-yeu-di-san-van-hoa-cho-hoc-sinh-125956.html
Zalo