Kỷ niệm 78 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2025): 'Ý Đảng - lòng dân': Cội nguồn sức mạnh!

Khi nói về sức mạnh của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân'. Do đó, chỉ có thể 'xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân', với chìa khóa thành công là bởi chữ 'đồng'.

Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi chứng kiến sự kiện lịch sử đặc biệt: Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Khôi Nguyên

Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi chứng kiến sự kiện lịch sử đặc biệt: Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Khôi Nguyên

Sau khi ra “lời hịch non sông” - “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (ngày 19/12/1946) - nhằm kêu gọi toàn dân tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm Thanh Hóa (ngày 20/2/1947). Từ sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa này, Người đã có nhiều di huấn quan trọng, cũng như đặt niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, khi nói chuyện với cán bộ tỉnh, Người căn dặn: “Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”.

Những lời căn dặn thể hiện rất rõ tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân, tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe tiếng nói Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên và rộng ra là của toàn Đảng. Bởi, “Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Để rồi, thấm nhuần lợi dạy của Người, suốt mấy mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với việc tập trung xây dựng Đảng về mọi mặt và lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, để “ý Đảng” và “lòng dân” luôn hòa quyện bền chặt, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua mỗi giai đoạn phát triển.

Để xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt sâu sắc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần tăng cường sự đồng thuận, củng cố vai trò mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

Để thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy đã phê duyệt chương trình giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, duy trì thường xuyên việc tổ chức giao ban định kỳ hằng quý với Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể; tổ chức làm việc đột xuất về nội dung phát sinh liên quan đến các đoàn thể. Cùng với đó, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp, nhất là trong thực hiện thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết các vấn đề bức xúc trong Nhân dân, như ô nhiễm môi trường, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Ngoài ra, cùng với triển khai các chương trình, mục tiêu, các chính sách đặc thù của Trung ương, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi. Đồng thời, quan tâm giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của các tôn giáo; tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong các tổ chức tôn giáo, động viên các chức sắc, tín đồ thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo...

“Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Lời căn dặn của Bác cũng chính là kim chỉ nam để nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các cấp đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Trong đó, trọng tâm là đổi mới hoạt động quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, gần dân, chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ. Tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, xây dựng tác phong công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Thực hiện tốt việc lấy ý kiến tham gia của Nhân dân vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định...

...

Đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử: kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự khởi đầu của kỷ nguyên mới cũng đồng thời đánh dấu mốc tròn 95 năm Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài và gánh lấy sứ mệnh lịch sử vĩ đại: Đó là lãnh đạo Nhân dân ta đứng lên giành chính quyền, đánh đuổi ngoại xâm, thu giang sơn về một mối. Đồng thời, tiến hành công cuộc đổi mới, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó là hành trình vô cùng gian khổ nhưng quá đỗi tự hào. Và trên hành trình ấy, Đảng ta đã hội tụ được nguồn sức mạnh vĩ đại, là lòng dân, sức dân để “xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”!

Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường tháng 12/1961. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường tháng 12/1961. (Ảnh tư liệu)

Song mấu chốt để khơi dậy và hiệu triệu được lòng dân, sức dân trước hết là bởi Đảng ta “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Nắm vững chân lý “Nước lấy dân làm gốc” và “gốc có vững, cây mới bền”, nên từ khi ra đời, “ý Đảng” - hay sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã kết chặt với “lòng dân” mà nền tảng là tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, khi “ý Đảng” và “lòng dân” đã hòa quyện vô cùng bền chặt, sẽ tạo thành cội nguồn sức mạnh vô địch, đưa dân tộc đi qua những năm tháng trường kỳ kháng chiến ác liệt và cả những năm “tìm đường đi cho dân tộc” hòng thoát khỏi bao vây cấm vận và tình trạng trì trệ, lạc hậu.

Quá trình lãnh đạo đất nước suốt mấy mươi năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra một bài học căn bản: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, “Đảng lấy sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ, đảng viên”; “niềm tin của Nhân dân là thước đo cho sự vững mạnh của Đảng”.

Ngày nay, với thế và lực đã tạo dựng được, dân tộc ta đang có nền tảng quan trọng để vươn mình “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và sứ mệnh của Đảng ta lúc này là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng đó, hơn lúc nào hết, bài học về “ý Đảng” hợp “lòng dân” lại càng phải được thực hành một cách thống nhất và hiệu quả hơn bao giờ. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Để tiếp tục gánh vác trọng trách đó của lịch sử, Đảng phải không ngừng lớn mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu và sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

Đứng trước cơ đồ dân tộc ngày một vững mạnh và quê hương xứ Thanh không ngừng nỗ lực trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như tâm nguyện của Bác lúc sinh thời, chúng ta càng thêm vững tin vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt là “ý Đảng” hòa quyện với “lòng dân”. Để từ đó, cùng đồng sức, đồng lòng, quyết tâm đưa đất nước, đưa quê hương bước vào kỷ nguyên mới, đầy rạng rỡ và huy hoàng.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-niem-78-nam-ngay-bac-ho-lan-dau-tien-ve-tham-thanh-hoa-20-2-1947-20-2-2025-nbsp-y-dang-long-dan-coi-nguon-suc-manh-240139.htm
Zalo