Kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 12/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.

Ngày 12-11, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngành và 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.

Ngày 12-11, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngành và 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.

Ngày 12/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. Tại buổi lễ, Sở GD-ĐT Hà Nội vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng hàng nghìn giáo viên từ trường học các cấp trên địa bàn Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội.

Điểm lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội 70 năm qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: Những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên

Về thành tích học tập, học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đạt 88 giải thì đến năm 2024, học sinh thành phố đạt 184 giải (tăng gần 2,1 lần).

Từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Đại diện các nhà giáo Thủ đô phát biểu tại buổi lễ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie chia sẻ kỷ niệm gắn bó với ngành Giáo dục và Đào tạo và bày tỏ, sẽ tiếp tục cùng đồng nghiệp xây dựng nhà trường vững mạnh.

Khẳng định những đóng góp quan trọng của Hà Nội với toàn ngành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trước giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Vinh danh 56 nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Vinh danh 56 nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, làm nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự và tự hào. Ngoài những phẩm chất, năng lực, kỹ năng của nhà giáo nói chung để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân mỗi nhà giáo càng cần phải tiêu biểu, càng cần phải thanh lịch một cách mẫu mực. Đây là kỳ vọng, sự phó thác của ngành và của Thủ đô, mong đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã nỗ lực, càng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng lớn đó.

Biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong 70 năm qua, trân trọng cảm ơn những đóng góp quý giá của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thầy, cô giáo, học sinh, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định, trong đó Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn những đóng góp quý giá của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thầy, cô giáo, học sinh Thủ đô

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn những đóng góp quý giá của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thầy, cô giáo, học sinh Thủ đô

Để làm được điều đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa. Vì vậy, thời gian tới và ngay từ năm học 2024-2025 này, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung thực hiện tốt 4 nội dung:

Một là, chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm đào tạo những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Hai là, phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn tới các học sinh hoàn cảnh khó khăn để học sinh được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Ba là, tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao.

Bốn là, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.

Cũng trong buổi lễ, Sở GD-ĐT Hà Nội đã vinh danh 56 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-niem-70-nam-thanh-lap-nganh-giao-duc-va-dao-tao-ha-noi-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat-post595268.antd
Zalo