Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) Tự hào màu áo blouse trắng

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG cho biết, so với thời điểm trước và sau năm 1975, ngành y tế Đồng Nai đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, đặc biệt là trong 10-15 năm trở lại đây. Tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với các cơ sở y tế cũng ngày càng tăng cao.
Lớn mạnh không ngừng
Tình hình nhân lực, mạng lưới của ngành y tế Đồng Nai hiện nay ra sao, thưa ông?
- Hệ thống y tế của tỉnh Đồng Nai được bố trí rộng khắp trên 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 4 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm y tế, 2 chi cục, 4 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 159 trạm y tế xã và hệ thống y tế ấp, khu phố.
Hệ thống y tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ với 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân, 90 phòng khám đa khoa, hơn 1,7 ngàn phòng khám chuyên khoa và các cơ sở dịch vụ y tế.
Về nhân lực, toàn ngành hiện có hơn 9,8 ngàn cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó có gần 3,3 ngàn bác sĩ (BS), đạt tỷ lệ 9,7 BS/vạn dân, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số giường bệnh điều trị nội trú hơn 10,1 ngàn giường, đạt 30 giường bệnh/vạn dân.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG chia sẻ: “Bản thân tôi rất tự hào về sự phát triển của ngành y tế Đồng Nai trong thời gian vừa qua. Tôi mong rằng thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, phát huy thế mạnh để phát triển mạnh hơn nữa, vươn tầm sánh vai với Thành phố Hồ Chí Minh, tiến tới hội nhập thế giới”.
Thưa ông, đội ngũ nhân lực này đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân chưa?
- Về cơ bản, đội ngũ này đáp ứng được công tác dự phòng, điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở y tế còn thiếu nhiều điều dưỡng, ảnh hưởng ít nhiều đến việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Nhân lực y tế, các cơ sở y tế phân bổ không đồng đều, tập trung ở thành phố Biên Hòa và một số địa phương có đông công nhân lao động. Một số địa phương như Vĩnh Cửu vẫn chưa đảm bảo về nhân lực, đặc biệt ở các trạm y tế còn thiếu nhiều BS đa khoa, chuyên khoa.
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành y tế Đồng Nai trong 70 năm qua?
- 70 năm là một chặng đường khá dài. Trước và sau những năm 1975, ngành y tế Đồng Nai chỉ có một số bệnh viện, nhà thương quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, cũ kỹ, lạc hậu.
Được sự tập trung đầu tư của Nhà nước, Chính phủ nên những năm sau đó, hệ thống y tế của Đồng Nai ngày càng phát triển. Tỉnh đã có nhiều bệnh viện khang trang, cả đa khoa lẫn chuyên khoa với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại. Đội ngũ y, BS được đào tạo bài bản, trình độ ngày càng cao, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.
Nhiều cơ sở y tế cả công lập và tư nhân đạt Chứng chỉ Công nhận hệ thống quản lý ISO 15189 phiên bản 2022. Đây là chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực xét nghiệm. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đạt Chứng nhận Kim cương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đạt Chứng nhận Bạch kim trong điều trị đột quỵ. Nhiều phẫu thuật đặc biệt mà trước đây chỉ có thể thực hiện tại các bệnh viện tuyến trung ương nay đã trở thành thường quy tại Đồng Nai như: mổ tim hở, mổ tim nội soi, can thiệp tim mạch, các phẫu thuật vi phẫu…
Các bệnh viện tuyến huyện đang vươn mình mạnh mẽ, triển khai được nhiều kỹ thuật cao như: mổ nội soi, lọc thận, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay gần nhà.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Ảnh:H.Dung
Lương y như từ mẫu
Những năm qua, đội ngũ thầy thuốc tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, lời thề của Hipocrate và lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác như thế nào?
- Đội ngũ thầy thuốc ngành y tế Đồng Nai luôn xem lời dạy của Bác Hồ, lời thề Hipocrate và lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông là kim chỉ nam trong cuộc đời làm nghề y. Có rất nhiều tấm gương sáng về sự tận tâm, tận tụy chăm sóc người bệnh. Nhiều thầy thuốc có đóng góp xuất sắc cho ngành y tế đã được phong tặng các danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Anh hùng lao động…
Y đức của người cán bộ y tế được thể hiện rõ nhất qua đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với ngành y tế. Chúng tôi đã tập trung toàn bộ sức lực, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh, vì sức khỏe cộng đồng.
Hết năm 2025, Nghị quyết 34 của HĐND tỉnh về hỗ trợ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ hết hiệu lực. Sở Y tế sẽ đánh giá lại tác động của Nghị quyết 34 và tiếp tục xin các cấp lãnh đạo kéo dài Nghị quyết 34 trong một thời gian nữa để giúp nhân viên y tế an tâm công tác.
Thưa ông, công nghệ thông tin cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ như thế nào cho thầy thuốc trong thời đại hiện nay?
- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại. Ngành y không đứng ngoài xu hướng đó. Chúng tôi tham gia vào quá trình chuyển đổi số rất sớm. Từ những năm 2000, chúng tôi đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện. Đến nay, hệ thống này tương đối hoàn chỉnh. Hiện tại, nhiều bệnh viện đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đăng ký khám, chữa bệnh từ xa, hẹn giờ khám, chẩn đoán từ xa, trả kết quả tự động qua tin nhắn, lập hồ sơ sức khỏe điện tử…
Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện thứ 4 trong cả nước triển khai bệnh án điện tử. Qua đó đã giảm tải cho nhân viên y tế về thủ tục hành chính, giúp họ có thêm thời gian chăm sóc người bệnh.
Chuyển đổi số còn giúp phát triển các chuyên ngành, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh. Kết quả xét nghiệm được liên thông giữa các tuyến giúp người bệnh không phải xét nghiệm lại nhiều lần, ngành y tế có cơ sở dữ liệu đầy đủ để theo dõi bệnh nhân chính xác hơn. Công nghệ chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp sự tương tác giữa các tuyến và các BS hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Thay vì bệnh nhân phải mang phim đi từ bệnh viện này đến bệnh viện kia thì nay phim chụp đã có trên hệ thống và các BS có thể truy cập dễ dàng để kiểm tra bệnh sử của người bệnh để chẩn đoán.
Công nghệ AI giúp BS có công cụ để hỗ trợ trong chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời, giảm bớt sai sót.
Ngành y tế đề ra giải pháp gì để phát triển y tế cơ sở trong thời gian tới?
- Phải thẳng thắn thừa nhận đây là một bài toán khó. Có rất nhiều lý do dẫn đến chúng ta khó thu hút đội ngũ nhân lực về tuyến dưới. Trước đây, chúng ta làm theo mô hình tháp ngược. Thuốc men, kỹ thuật phân cấp nên mặc nhiên y tế tuyến huyện, tuyến xã không được triển khai các kỹ thuật cao, không có những loại thuốc tốt, vật tư tốt như ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Vì thế, người bệnh thường đổ dồn lên tuyến trên để khám, chữa bệnh vì không tin tưởng tuyến dưới.
Hiện nay, chính sách đã có thay đổi. Thuốc, trang thiết bị, vật tư, kỹ thuật không phân theo tuyến, mà dựa trên nhu cầu, khả năng thực tế của các đơn vị. Như vậy, quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở sẽ tốt hơn. Đây là tiền đề để tạo môi trường làm việc, thu nhập tốt hơn cho tuyến cơ sở, giúp thu hút BS có trình độ chuyên môn về tuyến cơ sở.
Tiếp đến, phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên y tế tuyến dưới phát triển về chuyên môn thông qua Đề án Tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới một cách thực chất và có hiệu quả. Có nghĩa là tuyến trên sẽ về cầm tay chỉ việc cho tuyến dưới. Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đang hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới theo từng khu vực, bước đầu đã có những kết quả nhất định, người dân đã tin tưởng và lựa chọn y tế tuyến cơ sở nhiều hơn.