Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2024) Ngày giải phóng Thủ đô và bài hát Tiến về Hà Nội

Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội, trái tim yêu thương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi ách kìm kẹp, chiếm đóng, đô hộ của thực dân Pháp, mở ra trang sử mới cho thủ đô Hà Nội: Hòa bình và phát triển.

Để có ngày giải phóng Thủ Đô, Quân đội ta, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm trường kỳ kháng chiến, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo Hiệp định Giơnevơ ký kết ngày 21/7/1954, một số khu vực miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Đồng nghĩa với việc trong 80 ngày đó Hà Nội và một số khu vực khác chưa có hòa bình. Vì vậy Trung ương Đảng chỉ rõ: Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã chuyển đổi sang hình thức đấu tranh chính trị… Tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tiếp quản Hà Nội.

Để làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, xác định tinh thần, quán triệt nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này, Bác Hồ đã có cuộc gặp và chỉ thị cho bộ đội Đại đoàn 308 Quân tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Ngày 19.9.1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 được Bác Hồ căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người nêu rõ; “Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”.... “Tiếp quản Thủ đô phải thận trọng, chu đáo; tổ chức, kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: Kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý...”

Đúng 16h30 ngày 9/10/1954 quân ta đã hoàn toàn kiểm soát, tiếp quản thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Sáng ngày 10/10/1954, dưới nắng vàng của trời thu Hà Nội, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội và các đơn vị quân đội nhân dân, bao gồm cả bộ binh, pháo binh, cơ giới... chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào giải phóng Thủ đô với sự hân hoan, chào đón của hàng vạn đồng bào Thủ đô.

Đúng 15h chiều ngày 10/10/1954, quân dân thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân Cột cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Sau đó là những tiếng hô vang trời: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” càng làm cho không khí thêm tưng bừng, phấn khởi.

Bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào đầu năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang trong giai đoạn “cầm cự” với quân Pháp. Sau khi ra đời, năm 1950, bài hát được dàn dựng phục vụ bộ đội, nhân dân.

Điều đặc biệt là giữa bài hát “Tiến về Hà Nội” và ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 có mối liên hệ, trùng khớp lạ kỳ, từ khí thế hào hùng của ngày giải phóng đến sự tươi vui trở về của những đoàn quân tiến về, mặc dù hai sự kiện ra đời cách nhau 5 năm. Năm 1949, Văn Cao viết: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố/Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây/Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào...” 5 năm sau ngày bài hát “Tiến về Hà Nội” ra đời, bộ đội ta chia làm nhiều cánh quân lớn hành quân qua 5 cửa ô là: Quan Chưởng, Cầu Giấy, Cầu Dền, Đống Mác, Chợ Dừa hùng dũng tiến vào giải phóng thủ đô Hà Nội trong sự đón chào nồng nhiệt của hàng vạn đồng bào Thủ đô.

Đúng là chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về để có thủ đô Hà Nội có sức sống mới như ngày hôm nay.

Nguyễn Công Đản

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ngay-giai-phong-thu-do-va-bai-hat-tien-ve-ha-noi-3176089.html
Zalo