KỶ NIỆM 70 NĂM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENEVA (21.7.1954 - 21.7.2024): Dấu mốc lịch sử mang tính thời đại

Với việc ký kết Hiệp định Geneva, nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới đã trở thành biểu tượng, tấm gương cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ

Hiệp định Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam. Đại sứ, PGS-TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng đây là cơ sở pháp lý, nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 21 năm sau đó.

Việt Nam thành biểu tượng, tấm gương

Ở Hội nghị Geneva, Việt Nam phải chấp nhận một số điều kiện bất lợi. Tại ấn phẩm đặc biệt "70 năm Hiệp định Geneva: Những bài học lịch sử", TS Ngô Vương Anh, nhà nghiên cứu lịch sử, nêu rõ: Việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 hay 16 theo phương án của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17. Việt Nam mất 3 tỉnh khu V và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17. Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm 2 tỉnh Sầm Nưa và Phongsaly, nhỏ hơn nhiều so với vùng giải phóng thực tế. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải phục viên tại chỗ. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Việt Nam không phải là 6 tháng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) đề nghị mà được đẩy lên tới 2 năm.

Đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, phân tích giải pháp tại Hội nghị Geneva tuy bao gồm cả vấn đề chính trị và quân sự nhưng không phản ánh đầy đủ những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam giành được trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều này cũng dễ hiểu bởi Hội nghị Geneva là diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định thành phần, thời gian, bước đi và thậm chí là cả kết quả.

Tại hội nghị này, sự thỏa hiệp của các nước lớn đã đưa đến một sự ràng buộc trách nhiệm có phần lỏng lẻo giữa các bên tham dự và việc Mỹ không chịu ký vào bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị đã tạo ra cái cớ để họ thực hiện ý đồ thay chân Pháp nhảy vào Việt Nam. Kết cục của hậu Geneva là tổng tuyển cử đã không diễn ra và nhân dân Việt Nam phải đi tiếp chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến với bao tổn thất, hy sinh để giành lại nền độc lập trọn vẹn, thống nhất đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị Geneva năm 1954 Ảnh: TƯ LIỆU

Toàn cảnh Hội nghị Geneva năm 1954 Ảnh: TƯ LIỆU

Tuy vậy, theo PGS-TS Trần Ngọc Long, điều vô cùng quan trọng là Hiệp định Geneva đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Dẫu đất nước còn bị chia cắt nhưng chúng ta đã có một miền Bắc giải phóng, làm cơ sở để xây dựng thành hậu phương chiến lược lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau đó.

Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng khẳng định việc ký kết Hiệp định Geneva là một dấu mốc lịch sử mang tính thời đại. Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới đã trở thành biểu tượng chói sáng của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Tầm nhìn thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 22-7-1964, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to". Người cũng chỉ rõ: "Từ nay, chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc".

Nói về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Pierre Asselin (Khoa Lịch sử, Đại học San Diego State, Mỹ), một học giả dành hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam, đã có phân tích rất sâu sắc. Ông đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là một sự kiện mang tính chất quyết định trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một trận đánh. Còn cuộc chiến vẫn chưa thực sự kết thúc. Việt Minh và Hồ Chí Minh đã đánh bại người Pháp tại Điện Biên Phủ nhưng lực lượng Pháp vẫn còn hiện diện rộng khắp tại miền Nam Việt Nam, Campuchia và vẫn còn rất mạnh tại Lào. "Cần hiểu rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng trong một cuộc chiến lâu dài. Hiểu được thực tế này là điều cần thiết để biết được lý do tại sao Hồ Chí Minh lại quyết định đàm phán sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tại sao các lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại chấp nhận Hiệp định Geneva vào tháng 7-1954"…

GS Pierre Asselin phân tích tiếp: "Hiệp định Geneva đã trì hoãn điều không thể tránh khỏi, đó là sự can thiệp của Mỹ. Tôi nghĩ rằng đó là chiến lược của Hồ Chí Minh. Theo tôi, Hồ Chí Minh hiểu rằng Hiệp định Geneva không phải là hoàn hảo nhưng ít nhất trong một thời gian ngắn, những điều này đã phần nào giữ chân Mỹ ở bên ngoài".

Cũng theo học giả này, nhờ Hiệp định Geneva, Quân đội Nhân dân Việt Nam có thêm thời gian để tái tổ chức, xây dựng và huấn luyện lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc chiến thậm chí còn khốc liệt hơn cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

"Đối với Mỹ, họ thấy rằng Hiệp định Geneva không giải quyết được gì. Đó là lý do tại sao Mỹ không bao giờ chấp nhận hiệp định. Nhưng cộng đồng quốc tế thừa nhận hiệp định và điều này buộc Mỹ phải trở nên thận trọng hơn. Vì thế, sau năm 1954 đến năm 1960, tuy vẫn hiện diện ở Việt Nam nhưng Mỹ rất kín tiếng, chỉ bắt đầu tăng dần từ những năm 1960, 1961. Nhờ có Hiệp định Geneva, Mỹ đã mất 5 đến 6 năm đứng ngoài chờ đợi, điều đó rất có lợi cho Hồ Chí Minh và đội quân của ông"- GS Pierre Asselin đánh giá.

Bài học quý giá về đối ngoại

Sáng 19-7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam". Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này, cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva vẫn còn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu; phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.D.Ngọc

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7

Kỳ tới: Những bài học trường tồn

DƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-niem-70-nam-ky-ket-hiep-dinh-geneva-2171954-2172024-dau-moc-lich-su-mang-tinh-thoi-dai-196240719194012634.htm
Zalo