Kỷ niệm 65 năm ký kết nghĩa: Trà Vinh - Thái Bình thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình

Trong kỷ nguyên mới, Thái Bình - Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 'đoàn kết thủy chung' để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển vươn lên cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh (bên trái) tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình.Ảnh: BÁ THI

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân miền Bắc đã tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam và có hiệu quả thiết thực. Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các thành phố, các tỉnh miền Bắc với các thành phố, các tỉnh miền Nam như Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã đi vào câu ca, bài hát: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn như cây một gốc, như con một nhà”.

Với tinh thần cùng một nước, cùng một dân tộc, khi Thái Bình đã được hoàn toàn giải phóng, nhân dân đang sống no ấm vui tươi, hòa bình kiến thiết, còn nhân dân Vĩnh Trà đang sống trong đói khổ, luôn luôn bị Mỹ Diệm khủng bố đàn áp. Thái Bình kết nghĩa với Vĩnh Trà là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu của nhân dân hai tỉnh, đặc biệt nhân dân Thái Bình thấy cần phải kết nghĩa để tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết nhân dân hai tỉnh trong công cuộc đấu tranh giải phóng Vĩnh Trà, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, bảo vệ thành quả Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Ngày 14/3/1960, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị 05 về nâng cao hiệu quả việc kết nghĩa Thái Bình - Vĩnh Trà để thực hiện phương châm “khi nào Vĩnh Trà được giải phóng thì Thái Bình mới hoàn toàn giải phóng”.

Tác dụng thiết thực của phong trào kết nghĩa Bắc - Nam là động viên quân, dân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Việc kết nghĩa đã có tác dụng cổ vũ, hỗ trợ và là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân miền Nam nói chung và Nhân dân Vĩnh Trà nói riêng kiên trì đấu tranh chống Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Đối với cán bộ, chiến sỹ người Vĩnh Trà tập kết ra Bắc càng thêm tin tưởng, phấn khởi, ra sức học tập, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chợ Vĩnh Trà tại thành phố Thái Bình. Ảnh: BÁ THI

Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, với trách nhiệm là tỉnh kết nghĩa với Trà Vinh, Thái Bình quan tâm đến việc chi viện nguồn nhân lực cho tỉnh Cửu Long (Trà Vinh, Vinh Long). Do điều kiện lúc đó, Thái Bình chủ yếu hỗ trợ Cửu Long về nhân lực trên lĩnh vực giáo dục. Có 4 đợt tỉnh Thái Bình chi viện giáo viên vào tỉnh Cửu Long với số lượng gần 300 người. Những cán bộ, giáo viên này là lực lượng quan trọng, góp phần cùng Nhân dân Trà Vinh khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố, phát triển sự nghiệp giáo dục và bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa sau ngày giải phóng. Theo sau đó là những người thân quen, dòng họ đã đến Trà Vinh học tập, sinh sống và công tác và xem Trà Vinh là quê hương thứ hai của mình.

Những người con quê hương Thái Bình tại Trà Vinh đã thành lập Hội Đồng hương Thái Bình tại Trà Vinh, đang tiếp tục là cầu nối, gắn kết những đồng hương Thái Bình trên mãnh đất Trà Vinh. Phát huy truyền thống quê hương, những người con Thái Bình đang cần cù lao động, năng động sáng tạo, đoàn kết giúp nhau, ra sức xây dựng cuộc sống, góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển cho quê hương Trà Vinh.

Trường THCS Thái Bình tại Khóm 5, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long.

Trường THCS Thái Bình tại Khóm 5, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long.

Tại trường từng có giáo viên Thái Bình đến giảng dạy thuộc huyện Càng Long, năm 2014 đã tiếp nhận tài trợ từ tỉnh Thái Bình để chỉnh trang cơ sở vật chất và để ghi nhận tình nghĩa giữa 2 tỉnh, cuối năm 2014 UBND huyện Càng Long đã đổi tên trường này thành Trường Trung học cơ sở Thái Bình. Ngoài ra, còn có nhiều công trình ghi đậm dấu ấn tình nghĩa anh em Trà Vinh - Thái Bình đó là Rạp hát Thái Bình, cầu Thái Bình tại Trà Vinh. Tại thành phố Thái Bình cũng có rạp chiếu phim mang tên Vĩnh Trà, sông Vĩnh Trà, phố Bắc Vĩnh Trà, Nam Vĩnh Trà.

Trong kỷ nguyên mới, Thái Bình - Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “đoàn kết thủy chung” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển vươn lên cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngày 09/4 vừa qua, Tỉnh Đoàn Trà Vinh phối hợp với Tỉnh Đoàn Thái Bình và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành đường nông thôn Thái Bình tại ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Ảnh: NGỌC XOÀN

Báo Trà Vinh Online

(Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/ky-niem-65-nam-ky-ket-nghia-tra-vinh-thai-binh-thuy-chung-son-sat-tham-duom-nghia-tinh-45445.html
Zalo