Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Thủ đô Hà Nội - Hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tìnhBài 6: 'Ba đảm đang'- lời hiệu triệu ngân vang

60 năm trước, hưởng ứng phong trào 'Ba đảm đang', hàng vạn phụ nữ đã hăng say trong lao động, sản xuất, lo toan công việc gia đình, động viên chồng con đi chiến đấu, xây dựng kiến thiết Thủ đô và chi viện cho tiền tuyến.

Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu triệu mọi tầng lớp phụ nữ tham gia, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi. Đến hôm nay, truyền thống “Ba đảm đang” vẫn còn ngân vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam...

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, chị em phụ nữ Hợp tác xã Hà Nội - Huế - Sài Gòn tích cực chăm bón bèo dâu để tăng thêm nguồn phân cho lúa chiêm và rau màu, năm 1968. Ảnh: TTXVN

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, chị em phụ nữ Hợp tác xã Hà Nội - Huế - Sài Gòn tích cực chăm bón bèo dâu để tăng thêm nguồn phân cho lúa chiêm và rau màu, năm 1968. Ảnh: TTXVN

Hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam

Tháng 3-1965, từ sáng kiến của phụ nữ huyện Đan Phượng, một phong trào có tên gọi “Ba đảm nhiệm” đã được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động trong phụ nữ cả nước. Phong trào ý nghĩa này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang”: Đảm đang trong lao động sản xuất và công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm đang trong công việc gia đình để chồng, con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Phong trào đã tạo nên một làn sóng thi đua rộng khắp...

Chỉ sau hai tháng phát động, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thi đua lập thành tích trong phong trào. Còn ở Hà Nội, chỉ một thời gian ngắn, đã có hơn 50 nghìn phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang”. Không quản ngày đêm, bất chấp bom đạn kẻ thù, chị em hăng hái lao động sản xuất, công tác, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em hết lòng nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già.

Bà Phạm Thị Đường (sinh năm 1931, ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Trong thời kỳ cả nước sục sôi ấy, chúng tôi luôn nỗ lực làm việc để đóng góp cho Tổ quốc. Tôi được Đảng giao phụ trách công tác Hội Phụ nữ, tổ chức cho chị em sản xuất, công tác, thay thế anh em đi chiến đấu. Bản thân tôi cũng có chồng là bộ đội, chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia… Tôi vừa động viên chị em trong xã, trong thôn, vừa tự động viên chính mình lo cho tốt việc nhà, việc của địa phương để chồng tôi và các đồng đội yên tâm chiến đấu, giành độc lập dân tộc”.

Phát huy truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, chị em có thể làm tất cả mọi việc mà trước đây phụ nữ chưa hề làm, kể cả những việc cần đến kỹ thuật. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô đã thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một, ta làm mười”, “Địch đánh ban ngày, ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”... Hàng vạn sáng kiến đã được đề xuất để hoàn thành vượt mức kế hoạch, xuất hiện các nữ “kiện tướng” ngày công cao.

Điển hình như Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, công nhân Nhà máy Dệt 8-3. Chồng đi chiến đấu, 2 con còn nhỏ, vẫn bảo đảm ngày công bình quân cao, vượt mức kế hoạch, đứng đầu Hội thi thợ giỏi toàn ngành Dệt. Phân xưởng Dệt chia 3 ca làm việc đủ 24 tiếng. Công nhân đứng máy dệt 100% là chị em phụ nữ. Nhà máy có 1.200 máy dệt, mỗi chị em thường đứng 8 máy, 12 máy, 16 máy và một số ít chị em đứng được 24 máy. Không khí làm việc ở phân xưởng lúc nào cũng sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất, ai cũng nỗ lực để vượt năng suất. Một số chị em trong phân xưởng đã tự học tập nâng cao tay nghề để đảm nhận thay công việc của nam giới đi chiến đấu như bốc vác, vận chuyển, sửa chữa máy, xung phong làm việc tăng ca, thêm giờ. “Vải thương hiệu “8-3” có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc. Đặc biệt, hồi ấy nhà máy còn sản xuất dây thừng, dây chão cho “đoàn tàu không số”…”, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu chia sẻ.

Với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, chị em ở nhiều đơn vị vận chuyển hàng chục vạn tấn máy móc đi sơ tán, khắc phục khó khăn để bảo đảm ổn định sản xuất. Chị em ngành Xây dựng làm nhiều hầm phòng không, đặt hàng vạn ống “buy” cá nhân bảo vệ người và của. Chị em ngành Giao thông bám mặt đường, phân hàng thông xe, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, giải phóng mặt đường. Chị em Thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau những trận đánh...

Không chỉ lao động hăng say, phấn đấu thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, chị em còn là lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức gan dạ, dũng cảm. Đã có hàng vạn chị em vào các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập…, góp hơn 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm…

Có thể khẳng định, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đã lôi cuốn, thúc đẩy mạnh mẽ khí thế thi đua sản xuất, chiến đấu, học tập vươn lên của phụ nữ. Từ năm 1965 đến 1974, phụ nữ Hà Nội được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động, Cờ và nhiều Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 20.884 chị em đạt danh hiệu “Ba đảm đang” 4 năm liền.

Còn mãi giá trị cao đẹp

Chiến tranh đã lùi xa trên mảnh đất hình chữ S song tinh thần cách mạng của phong trào “Ba đảm đang” vẫn còn nguyên vẹn trong thời đại mới, là di sản quý báu, động lực để phụ nữ Thủ đô nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung hôm nay tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội đánh giá: “Ba đảm đang” không chỉ là một phong trào mang ý nghĩa lịch sử mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, sáng tạo và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam. Tinh thần ấy đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ thời đại mới nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Phụ nữ không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học tài năng, những doanh nhân giỏi… có nhiều đóng góp cho sự phát triển cùng Thủ đô và đất nước.

Phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, trong từng giai đoạn lịch sử, phụ nữ Hà Nội đã và đang cùng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô viết tiếp những trang sử mới với các phong trào mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả đã được tổ chức Hội Phụ nữ phát động, triển khai thực hiện, thu hút đông đảo chị em tham gia như: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”; nay là phong trào Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, giúp nhau phát triển kinh tế, sáng kiến sáng tạo, giỏi việc nước đảm việc nhà… Nhiều mô hình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được nhân rộng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Hàng ngàn công trình, phần việc được các cấp Hội đăng ký và triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Xây, sửa nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; hỗ trợ xây, sửa điểm trường, tôn tạo làm đẹp các điểm di tích; công tác hậu phương quân đội, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sĩ; tặng học bổng nâng bước em đến trường... Từ các phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến đã được xét chọn "Người tốt việc tốt" các cấp, Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Công dân Thủ đô ưu tú, Giải thưởng phụ nữ Việt Nam… góp phần tô đẹp thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Trên mảnh đất nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tinh thần cách mạng “Ba đảm đang", mà còn phát huy truyền thống, tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới với những mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. “Giữ gìn và phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, những năm qua, nhiều phong trào thi đua của Hội Phụ nữ huyện đã tạo được sức lan tỏa lớn. Đặc biệt, Đan Phượng luôn là huyện dẫn đầu của thành phố về kết quả xây dựng nông thôn mới ở các giai đoạn. Những kết quả này có sự đóng góp quan trọng và tích cực của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết.

Đã 60 năm trôi qua, nhưng phong trào “Ba đảm đang” vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với bao niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong công cuộc đổi mới đất nước, tinh thần “Ba đảm đang” vẫn luôn là nguồn động lực cổ vũ cho phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Hà Nội nói riêng, từng ngày thi đua yêu nước, nỗ lực góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại, lập nên những kỳ tích mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Còn nữa)

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-bai-6-ba-dam-dang-loi-hieu-trieu-ngan-vang-700026.html
Zalo