Kỷ nguyên mới trong hợp tác Trung Quốc-châu Phi
Những cam kết tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) diễn ra mới đây tại Bắc Kinh cho thấy một cách tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác với lục địa đen của Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh.
Với sự tham dự của các nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ, phái đoàn từ 54 quốc gia châu Phi, nhiều tổ chức quốc tế và Liên minh châu Phi (AU), sự kiện cho thấy tầm vóc của FOCAC và tương lai hợp tác châu Phi – Trung Quốc ngày càng được rộng mở.
Vượt phạm vi truyền thống
Kể từ khi được thiết lập vào năm 2000, FOCAC đã phát triển thành một nền tảng quan trọng cho hợp tác Nam-Nam, một mô hình hợp tác quốc tế hiệu quả giữa Trung Quốc với châu Phi.
Theo tờ SCMP, tại lễ khai mạc hôm 5/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật một số lĩnh vực hợp tác giữa hai bên trong tương lai, đưa ra đề xuất 10 điểm nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa châu Phi.
Lãnh đạo Trung Quốc cam kết, sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 50,6 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, giúp tạo ra ít nhất 1 triệu việc làm và mở cửa thị trường cho 33 nước kém phát triển nhất khu vực này. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ xây dựng 25 trung tâm nghiên cứu châu Phi và mời 1.000 quan chức, chính khách khu vực đến Trung Quốc để tìm hiểu về quản trị hiện đại. Trung Quốc cũng sẽ cung cấp 1 tỷ NDT viện trợ quân sự cho châu Phi, giúp đào tạo 6.000 quân nhân và 1.000 sĩ quan thực thi pháp luật cho lục địa này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện 30 dự án kết nối và 1.000 "dự án nhỏ, đẹp" tại châu Phi trong khuôn khổ Sáng kiến vành đai và con đường (BRI); thực hiện 20 dự án số hóa để giúp châu lục này "đón nhận cuộc cách mạng công nghệ mới"...
Châu Phi vốn là khu vực ủng hộ và tham gia tích cực nhất vào BRI. Cho đến nay, hầu hết các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều đã ký kết các văn bản hợp tác trong khuôn khổ BRI.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai bên đạt kỷ lục, với 222,1 tỷ USD vào năm 2023. Trung Quốc liên tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này trong 15 năm liên tiếp. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư thương mại từ năm 2015.
Đến cuối năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi vượt mức 47 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là đối tác đầu tư lớn thứ tư ở châu Phi sau Mỹ, Anh và Pháp.
Với con số hơn 50 tỷ USD cam kết rót vào châu Phi tại FOCAC lần này, cao hơn con số khoảng 30 tỉ USD cam kết tại diễn đàn ở Dakar, Senegal 3 năm trước, cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này đã vượt ra ngoài phạm vi truyền thống thời gian qua là thương mại, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.
Năng lượng xanh là trọng tâm
Một trong những chủ đề nổi bật nhất của FOCAC 2024 là hợp tác năng lượng tái tạo và phát triển môi trường bền vững. Trung Quốc cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp công nghệ năng lượng mới và phát triển công nghiệp xanh cho châu Phi.
Những cam kết này phản ánh vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo, giúp châu Phi giảm lượng khí thải carbon.
Trung Quốc cam kết sẽ triển khai 30 dự án năng lượng sạch trên khắp châu Phi, lập quỹ đặc biệt để phát triển các chuỗi công nghiệp xanh, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt và thủy điện.
Việc tập trung vào hợp tác năng lượng giữa hai bên dựa trên các cơ chế hợp tác trước đó, bao gồm Tuyên bố về hợp tác Trung Quốc-châu Phi trong chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Dakar năm 2021 và Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi tại Nairobi, Kenya năm 2023.
Đặc biệt, việc Trung Quốc tán thành Kế hoạch tổng thể về hệ thống điện lục địa của Cơ quan phát triển Liên minh châu Phi (AUDA) là điều đáng chú ý. Kế hoạch này phù hợp với Chương trình nghị sự 2063 của AU nhằm chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Phi nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Một khía cạnh quan trọng khác của quan hệ đối tác năng lượng giữa Trung Quốc và châu Phi là hợp tác trong sử dụng hòa bình các công nghệ hạt nhân.
Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác thông qua các nền tảng quốc tế quan trọng như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Thỏa thuận hợp tác khu vực châu Phi về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (AFRA) và Ủy ban Năng lượng hạt nhân châu Phi (AFCONE).
Hiện hai bên đang xem xét khả năng ký kết một thỏa thuận 3 bên giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Trung Quốc, IAEA và AU để thúc đẩy việc sử dụng hòa bình công nghệ hạt nhân. Thông qua các sáng kiến này, Trung Quốc và châu Phi hy vọng sẽ thúc đẩy một khuôn khổ quản trị hạt nhân toàn cầu công bằng, chính đáng và phản ánh nhu cầu của các nước đang phát triển.
Cam kết của Bắc Kinh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trên khắp châu Phi là một trong những kết quả hứa hẹn nhất của FOCAS 2024.
Các dự án đa dạng này tập trung vào khai thác các nguồn năng lượng khác nhau, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và hydro xanh... Việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện của châu Phi thể hiện sự chuyển đổi tại lục địa này, nơi từ lâu vốn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này, Trung Quốc đang hỗ trợ chuyên môn, đầu tư tài chính và các chương trình xây dựng năng lực phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng nước. Trọng tâm không chỉ là sản xuất điện mà còn cải thiện mạng lưới truyền tải và phân phối một cách hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời và chuyên môn này sẽ được chia sẻ với các quốc gia châu Phi để xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn cũng như các hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời phân tán. Các hệ thống như vậy đặc biệt phù hợp với các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa thường không được cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng điện truyền thống.
Hợp tác năng lượng của châu Phi với Trung Quốc cũng mở rộng sang các ngành công nghiệp ngoài sản xuất điện. Bằng cách kết nối châu Phi với chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm xanh, hai bên hướng đến mục tiêu thúc đẩy một cơ sở công nghiệp bền vững hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại mà còn chuẩn bị trước cho những thách thức trong tương lai.
Một trong những sáng kiến chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghiệp của châu Phi là dự án Tăng tốc hợp tác đổi mới năng lượng Trung Quốc-châu Phi. Chương trình này sẽ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp xanh và carbon thấp trên khắp lục địa, khuyến khích liên doanh và chia sẻ các cách làm tốt nhất.
Hỗ trợ chuyên môn, xây dựng năng lực
Một phần quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và châu Phi bao gồm đào tạo chuyên môn và xây dựng năng lực. Trung Quốc cam kết tiếp tục cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các chính phủ và doanh nghiệp châu Phi cải thiện năng lực quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thành công lâu dài của các dự án năng lượng tái tạo ở châu Phi phụ thuộc vào khả năng vận hành và bảo trì đáng tin cậy và hiệu quả của các chuyên gia địa phương.
Hai bên sẽ tổ chức Hội nghị thúc đẩy dự án hợp tác năng lượng lần thứ 2 theo khuôn khổ Quan hệ Đối tác năng lượng AU-Trung Quốc. Đây sẽ là diễn đàn cho đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu Trung Quốc và châu Phi. Các cuộc đối thoại này sẽ tập trung vào các vấn đề chính sách, công nghệ và quản lý liên quan đến năng lượng tái tạo, giúp tạo ra khuôn khổ toàn diện cho hợp tác.
Một khía cạnh quan trọng khác của quan hệ đối tác năng lượng Trung Quốc-châu Phi là xây dựng các khuôn khổ chính sách và quy định chặt chẽ để hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Sự hợp tác này nhằm mục đích cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Phi bằng cách giải quyết các thách thức tiềm ẩn như sự không chắc chắn về quy định, hạn chế về cơ sở hạ tầng và cạnh tranh của thị trường.
Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, các chính phủ châu Phi sẽ nỗ lực nâng cao năng lực của các tổ chức điều tiết để quản lý và thúc đẩy tốt hơn các sáng kiến về năng lượng tái tạo. Điều này cũng sẽ liên quan đến việc tạo ra các chính sách đầu tư phù hợp với xu hướng toàn cầu và các công nghệ mới nổi, giúp châu Phi trở thành nhân tố cạnh tranh trên thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu.
Quan hệ hợp tác giữa châu Phi và Trung Quốc đã được duy trì trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt, sau hơn 20 năm hoạt động của FOCAC, châu Phi đã và đang ngày càng trở thành một đối tác địa chính trị, thị trường quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và châu Phi trong nhiều lĩnh vực, nổi lên là hợp tác năng lượng mới và phát triển bền vững, sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời thúc đẩy việc chuyển năng lực sản xuất của Trung Quốc sang lục địa này, mang lại lợi ích kinh tế và địa chính trị chiến lược cho cả hai bên.