Kỳ II: Tăng 'sức khỏe' cộng sinh
Kết nối giữa ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) là việc làm rất cần thiết, xây dựng được mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, cùng phát triển bền vững. Về cơ bản, ngành NH đã giải quyết được bài toán về vốn cho rất nhiều DN gặp khó do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ nội tại đến khách quan, góp phần tăng cường 'sức khỏe' cộng sinh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Đa dạng hình thức kết nối
Chương trình kết nối NH-DN chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Với vai trò chủ đạo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh quyết liệt chỉ đạo các NH thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa NH với DN thông qua chương trình kết nối với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp tình hình thực tế. Ngành NH không chỉ hỗ trợ DN hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn mà còn tư vấn cho DN cả về kế hoạch tài chính, quản lý dòng tiền dự án.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua những biến động phức tạp, việc quản trị rủi ro trở thành một nhiệm vụ ngày càng cấp thiết. Thời gian qua, Vietinbank Phú Thọ luôn nỗ lực tìm kiếm, cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả. Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Đức Thuận - Giám đốc Vietinbank Phú Thọ nhấn mạnh: Quan điểm của Vietinbank là không phân biệt đối xử các thành phần kinh tế, dù là DN lớn, DN vừa và nhỏ hay hợp tác xã... tất cả đều bình đẳng trong quan hệ tín dụng. Đơn vị luôn tìm mọi giải pháp để đồng hành cùng khách hàng. Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa NH và DN thực sự hiệu quả, giúp hai bên thấu hiểu, chia sẻ, cùng bàn bạc để khơi thông nguồn vốn, một mặt giúp DN đáp ứng đầy đủ, kịp thời các điều kiện đặt ra của NH để tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, mặt khác giúp NH linh hoạt hơn trong các điều kiện thẩm định cho vay DN.
Chương trình kết nối NH-DN triển khai theo tiến độ cam kết của các đơn vị liên quan. Để đạt kết quả cao, chương trình kết nối được tổ chức dưới nhiều hình thức như hội nghị khách hàng, đối thoại, tọa đàm, giao lưu, làm việc, trao đổi trực tiếp, chủ động tiếp cận với các khách hàng để tư vấn, hỗ trợ DN có nhu cầu vay vốn.
Trong đó, việc tổ chức đối thoại song phương giữa NH và DN đã giúp hai bên hiểu rõ về nhau hơn, cùng bàn bạc, trao đổi, tìm ra tiếng nói chung, có những giải pháp hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của DN cũng như giải quyết tốt những điều kiện đặt ra của NH. Cách thức đối thoại này thực sự gắn kết, tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Sự chủ động hỗ trợ vốn vay của NH với lãi suất ưu đãi chính là động lực thúc đẩy DN nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Với mức lãi suất cho DN vay của NH luôn được cộng đồng DN đánh giá là hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh, tạo điều kiện cho DN trên địa bàn có nguồn vốn ổn định để phát triển. Đơn cử như Công ty TNHH Dệt Phú Thọ - DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may có doanh thu nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Theo lãnh đạo Công ty, có được kết quả kinh doanh như ngày hôm nay không thể không nhắc tới sự hỗ trợ đắc lực của NH trong việc cung cấp vốn vay để DN có cơ hội vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển. Từ nguồn vốn vay cam kết theo chương trình kết nối, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ không ngừng đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Thành công của chương trình không phải là sự góp sức của một cá nhân hay một tổ chức mà là sự đồng hành, phối hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ vai trò kết nối các nguồn lực xã hội trên cơ sở khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Thúc đẩy mối quan hệ gắn kết
Thông qua chương trình kết nối, rất nhiều khách hàng đã tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn. Ở chiều ngược lại, hoạt động kết nối giúp các NH thương mại tăng trưởng tín dụng. Đây thực sự là giải pháp hữu hiệu, làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa NH và DN, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của hai bên, tích cực cùng nhau tháo gỡ những “nút thắt” về vốn, thúc đẩy tăng trưởng, đầy lùi tín dụng đen.
Mới đây, tại hội nghị kết nối NH-DN do Agribank Chi nhánh Phú Thọ tổ chức, lãnh đạo Chi nhánh cho biết sẽ bám sát chỉ đạo của cấp trên để điểu chỉnh, tiếp tục triển khai các gói, các chương trình tín dụng dành cho khách hành DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, chế biến... với chính sách lãi suất, kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, đặc điểm của từng ngành nghề. Đồng thời, cố gắng cấp hạn mức tín dụng tối đa, kéo giảm lãi suất thấp nhất có thể để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Những kết quả mà ngành NH đạt được thời gian qua gắn liền với triển khai thực hiện tốt chương trình kết nối, là trách nhiệm của ngành trong thực thi cơ chế, chính sách của NHNN, là sự phối hợp hiệu quả của sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, là nỗ lực của DN, là niềm tin của người dân và DN, tạo nên kết quả, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức lan tỏa, mang đậm dấu ấn của một chương trình hành động, đồng hành cùng DN.
Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh khẳng định: Thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục có những giải pháp tích cực hơn nữa thông qua các chương trình kết nối để hỗ trợ DN nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp - một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ hiện nay.
Theo đó, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các NH, tổ chức tín dụng tăng cường kết nối NH - DN theo cụm, khu vực một cách hiệu quả và lan tỏa; thường xuyên tổ chức chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa NH với khách hàng, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn vay để kịp thời xử lý, tháo gỡ, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh, của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua.
Mặt khác, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan nắm bắt thêm tình hình tiếp cận vốn vay của các DN; không để DN có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Đối với các NH chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngành cho khách hàng; tư vấn, hỗ trợ DN thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.