Kỳ II: Định hình Đô thị di sản thiên niên kỷ với bản sắc riêng
Thành phố Hoa Lư-điểm giao thoa giữa ba vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc, nơi đây không chỉ là vùng đất 'địa linh nhân kiệt' với Cố đô Hoa Lư ngàn năm tuổi mà còn sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Quần thể Danh thắng Tràng An. Vị trí chiến lược cùng những giá trị di sản riêng có là nền tảng, động lực để Hoa Lư vươn mình, kiến tạo một Đô thị di sản thiên niên kỷ độc đáo, khác biệt, xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững dựa trên tài nguyên di sản.
Việc sáp nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình đã tạo nên một đô thị mới-thành phố Hoa Lư với 20 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường và 8 xã, trong đó có 4 phường và 2 xã mới. Gồm: phường Vân Giang (sáp nhập phường Phúc Thành, Thanh Bình và Vân Giang), phường Ninh Mỹ (sáp nhập xã Ninh Mỹ và thị trấn Thiên Tôn), phường Ninh Phúc trên cơ sở nguyên trạng xã Ninh Phúc, phường Ninh Giang trên cơ sở nguyên trạng xã Ninh Giang, xã Ninh Nhất (sáp nhập xã Ninh Xuân và Ninh Nhất), xã Ninh Hải (sáp nhập xã Ninh Thắng và Ninh Hải).
Chủ trương hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư để trở thành thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với tính chất là đô thị di sản đã được tỉnh Ninh Bình chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ rất sớm thông qua Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014.
Trong đó xác định rõ tính chất đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; là trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế, là đô thị đầu mối giao thông cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quốc gia, 10 năm qua (2014-2024), tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực không ngừng thực hiện Quy hoạch và định hướng phát triển không gian đô thị, từng bước định hình rõ nét đặc trưng đô thị di sản Cố đô.
Theo đó, Quy hoạch phát triển không gian đô thị đã được triển khai đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, từ đường bộ (cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 10) đến đường sắt và đặc biệt là mạng lưới đường sông được mở rộng, chỉnh trang gắn với phục hồi di sản cảnh quan các dòng sông cổ mang đậm bản sắc Cố đô Hoa Lư để phục vụ phát triển du lịch sông nước, tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố.
Hệ thống thương mại dịch vụ phát triển đa dạng với cả loại hình bán lẻ truyền thống và hiện đại. Các khu công nghiệp Phúc Sơn, cụm công nghiệp Ninh Phong, Cầu Yên và các làng nghề truyền thống như: thêu ren Ninh Hải, chạm khắc đá Ninh Vân, mộc Ninh Phong… được quan tâm đầu tư phát triển tạo nhiều việc làm cho lao động của thành phố và thu hút lao động các địa phương.
Hệ thống các công trình công cộng đô thị, các thiết chế văn hóa biểu tượng của đô thị di sản, như: Nhà hát Phạm Thị Trân, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; Trung tâm thương mại-dịch vụ, thể dục-thể thao, công viên, hệ thống y tế… được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Thành phố Hoa Lư hôm nay không chỉ sở hữu những công trình công cộng hiện đại, những thiết chế văn hóa biểu tượng, mà còn là điểm đến của những dự án điện ảnh “bom tấn”, những sự kiện khoa học, âm nhạc, thể thao, thời trang, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… mang đậm dấu ấn vùng đất Cố đô, khẳng định thương hiệu địa phương, quảng bá “sức mạnh mềm”; tạo nền tảng vươn lên dần trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của vùng và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hệ thống giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, từng bước hiện đại. Trên địa bàn thành phố hiện có 95 trường học (gồm: 4 trường đại học, cao đẳng, trung cấp; 8 trường trung học phổ thông; 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; 23 trường trung học cơ sở; 26 trường tiểu học; 31 trường mầm non). 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đến trường của con em trên địa bàn.
Toàn thành phố có 119 phòng khám đa khoa tư nhân và 25 trạm y tế cấp xã, các cơ sở y tế đã đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh. Hệ thống cấp điện và chiếu sáng, cấp nước, thoát nước được đầu tư, nâng cấp.
Hiện tại, thành phố Hoa Lư đã có nhà máy xử lý nước thải với công suất 15.000 m3 /ngày đêm tại phường Ninh Phong; hệ thống thoát nước và chống ngập úng được đầu tư xây dựng 10 trạm bơm với tổng công suất gần 40.000 m3 /giờ, không còn điểm ngập úng trên địa bàn. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Với phương châm phát triển “Xanh và bền vững”, nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các địa phương chú trọng phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, tổng diện tích đất trồng cây xanh đô thị của thành phố Hoa Lư đến nay đạt gần 1,46 triệu m2 . 100% các phường thực hiện tốt quy chế về quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị.
Toàn thành phố hiện có 112 công trình di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Danh lam thắng cảnh Tràng AnTam Cốc-Bích Động, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước), đây là tiền đề quan trọng để thành phố Hoa Lư phát huy giá trị di sản thông qua mô hình “công viên hóa di sản”, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cơ sở thúc đẩy kinh tế di sản dựa trên nguồn lực văn hóa và thiên nhiên.
Kết cấu hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành của Hoa Lư cũng mang đậm dấu ấn khác biệt của vùng đất Cố đô, phát triển theo triết lý “đô thị-nông thôn hòa hợp”, nhiều khu vực đô thị hóa nhanh chóng. Di sản cảnh quan nông nghiệp được tích hợp vào phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ theo hướng xanh-sạch-đẹp-an toàn.
Chất lượng sống của người dân ngoại thành ngày càng được nâng cao, tiệm cận khu vực nội thành. Điều này được thể hiện trên các tiêu chí: Tỷ lệ trường học đạt chuẩn; thiết chế văn hóa; hạ tầng thương mại nông thôn; nhà ở dân cư; giao thông, điện; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%...
Cư dân ngoại thành Hoa Lư chiếm một tỷ lệ lớn dù vẫn cư trú trong các mô hình quần cư làng Việt nhưng đã chuyển sang lao động phi nông nghiệp, nhất là dựa vào du lịch cảnh quan, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản, du lịch cộng đồng… Nhiều cư dân tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch như hàng lưu niệm du lịch, sinh vật cảnh, công nghiệp ẩm thực… trên nền tảng di sản nông nghiệp, di sản làng nghề kết hợp với homestay.
Diện mạo đô thị Hoa Lư ngày càng khang trang, hiện đại, qua đó, thúc đẩy tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng, không gian sống cho người dân, phát triển du lịch…; tạo điều kiện cho việc đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định để thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc thành lập thành phố Hoa Lư trực thuộc tỉnh, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Thành phố Hoa Lư được thành lập là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đã khẳng định giá trị thương hiệu vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi, đây là dấu ấn lớn trong phát triển của tỉnh Ninh Bình nói riêng, của đất nước nói chung.
Việc sở hữu các di sản mang giá trị nổi bật toàn cầu sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho tỉnh Ninh Bình kết nối và giao lưu với các đô thị di sản khác trên cả nước và trên thế giới. Điều này góp phần quảng bá văn hóa, du lịch và thúc đẩy hợp tác phát triển.
Với những nền tảng vững chắc về di sản văn hóa, thiên nhiên, cùng sự đầu tư đồng bộ và tầm nhìn chiến lược, thành phố Hoa Lư đã mở ra trang sử mới, tạo tiền đề quan trọng để người dân thành phố nói riêng và người dân Ninh Bình nói chung hiện thực hóa khát vọng vươn xa, kiến tạo một mô hình phát triển đô thị độc đáo-nơi những giá trị di sản hòa quyện với nhịp sống hiện đại.
Để mỗi khi nhắc đến thành phố Hoa lư, người ta không chỉ nhắc tới địa danh lưu giữ những giá trị di sản nghìn năm của dân tộc-Kinh đô Hoa Lư xưa mà còn nhắc đến với niềm tự hào về biểu tượng của sự phát triển năng động, đổi mới và sáng tạo, góp phần vào sự phồn vinh, thịnh vượng của tỉnh Ninh Bình và của đất nước.