Kỳ II: Cuộc tranh giành Mỹ - Trung
Cuộc tranh giành vị thế 'bá chủ' thế giới về một nguyên liệu thiết yếu của ngành công nghệ - đất hiếm đang diễn ra vô cùng gay cấn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong lịch sử đế chế Hoa Kỳ, không thể không nói đến vai trò của dầu mỏ. Từ những mũi khoan đầu tiên ở Pennsylvania những năm 1860 cho tới việc kiểm soát giá dầu toàn cầu bằng “petrodollar”, Washington có thể nói đã thống trị thế giới trong hàng thập kỷ.
Bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc tham vọng tiếp bước Mỹ cũng nhờ một tài nguyên quan trọng không kém - đất hiếm. Điều này khiến cuộc chiến đất hiếm nóng hơn bao giờ hết.
Mỹ thất thế trước Trung Quốc về đất hiếm
Nền kinh tế tương lai không thể thiếu đất hiếm. Máy tính, điện thoại di động, cho tới vũ khí công nghệ, hàng không vũ trụ, hay năng lượng tái tạo đều có vai trò quan trọng của những kim loại được tinh chế từ đất hiếm.
Đó là lý do vì sao Washington phải lo sợ Bắc Kinh. Mãi tới khi Trung Quốc hé lộ tham vọng bá quyền và ảnh hưởng trên thế giới trong những năm 2010, cả thế giới mới giật mình nhận thấy quốc gia này nắm trong tay hơn 90% nguồn cung và năng lực xử lý đất hiếm toàn cầu.
“Hơn 95% nguyên liệu hoặc kim loại đất hiếm bắt nguồn hoặc được xử lý tại Trung Quốc, không có lựa chọn nào khác,” Giám đốc tập đoàn quốc phòng Raytheon, Greg Hayes, thừa nhận.
Sau nhiều năm, có thể nói chính nước Mỹ đã tự tay trao cho đối thủ vị thế đặc biệt này. Mỹ từng là cường quốc đất hiếm những năm 1980, nhưng chi phí khai thác, nhân công và đặc biệt là tác động môi trường trong nước khiến Mỹ từ bỏ và chuyển sang dựa hoàn toàn vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đã sớm xác định ngành công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm là trọng tâm chiến lược từ những năm 1980 thông qua tăng cường nghiên cứu phát triển và hình thành các tập đoàn lớn dưới sự kiểm soát của nhà nước. Ngày nay, Bắc Kinh thống trị ở các chuỗi cung ứng thiết yếu nhất, như biến quặng thành nam châm vĩnh cửu – cực kỳ quan trọng với xe điện, tua bin điện gió hay vũ khí.
Tháng 9/2010 có thể nói là thời khắc quan trọng cho thấy tác động khôn lường của việc Trung Quốc “vũ khí hóa” đất hiếm. Khi đó, căng thẳng ngoài khơi với Nhật Bản đã khiến Bắc Kinh dừng xuất khẩu đất hiếm cho Tokyo nhằm trả đũa. Hậu quả là ngành ô tô và điện tử của nước này tê liệt do thiếu nguồn cung ứng đất hiếm.
Tình hình càng trở nên khó lường kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2017. Để đáp trả, chính phủ Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố họ sẽ cắt giảm sản lượng đất hiếm thô nội địa thay vì trực tiếp áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
"Liệu đất hiếm có trở thành một vũ khí mà Trung Quốc dùng để chống lại những áp lực vô cớ mà Mỹ áp đặt lên chúng tôi một cách phi lý? Câu trả lời là hoàn toàn có thể", theo tờ Nhân Dân Nhật Báo.
Dù đe dọa từ lâu, nhưng mãi mới đây Trung Quốc mới chính thức tung đòn. Ngày 1/8/2023, Bắc Kinh chính thức “khóa van” dòng chảy 2 trong số các kim loại hiếm sang Mỹ là galli và germani - những hợp chất thiết yếu trong sản xuất chip cho vệ tinh, camera hồng ngoại hay sợi cáp quang. Cần nhớ, Trung Quốc nắm tới 60% nguồn cung galli và 80% germani toàn cầu.
Theo các chuyên gia, đây mới chỉ là đòn hăm dọa của Bắc Kinh bởi hai hợp chất này vẫn chưa thuộc nhóm 17 kim loại hiếm nhất cho ngành công nghệ. Hậu quả của một chương trình cấm vận rộng hơn sẽ vô cùng nghiêm trọng, có thể đình trệ toàn bộ ngành công nghiệp tương lai của nước Mỹ.
Mỹ có dễ "sửa sai"?
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, chính quyền Biden vội vã ban hành nhiều chính sách để xây dựng lại chuỗi cung ứng đất hiếm. Tuy nhiên, với các chuyên gia, điều này gần như bất khả thi trong thời gian ngắn khi toàn bộ ngành công nghiệp đất hiếm của Hoa Kỳ được cho là cần phải “xây lại từ đầu” sau 40 năm bị bỏ quên.
Một số chính sách vội vàng đã bộc lộ khiếm khuyết, như đề xuất ưu đãi thuế để kích thích sản xuất nam châm trong nước bị các chuyên gia chê là có ngôn ngữ không rõ ràng, có thể khiến các công ty ưu tiên sản xuất các loại nam châm giá rẻ và chất lượng thấp không thể sử dụng trong quốc phòng hay công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các nguồn dự trữ mỏ đất hiếm nặng không có nhiều ở Mỹ. Mỏ Mountain Pass ở California là mỏ đất hiếm duy nhất của Hoa Kỳ, có số lượng rất hạn chế đất hiếm nặng cần thiết cho mục đích quân sự và hiện đang vận chuyển gần như toàn bộ sản lượng của mình sang Trung Quốc.
Ngoài yếu tố kinh tế và môi trường, những nỗ lực của Hoa Kỳ cũng bị cản trở bởi khoảng cách chuyên môn ngày càng bị nới rộng. Trong khi Trung Quốc rót các nguồn lực và tiền bạc vào các nỗ lực nghiên cứu về đất hiếm tại các trường đại học, phòng thí nghiệm và các cơ quan khác, thì sự quan tâm và đầu tư lại giảm đi ở Hoa Kỳ.
Để giải quyết trong ngắn hạn, Mỹ đang tìm kiếm các đối tác thân cận để xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn ở Mỹ Latin hay Australia. Mới đây, một tập đoàn của Australia là Lynas Rare Earth đã nhận được sự quan tâm của chính quyền Mỹ khi có thể đảm bảo một chuỗi cung ứng gần như song song với Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng chính quyền Mỹ cần một chiến lược dài hơi và kỹ lưỡng hơn để có thể thoát khỏi cái bóng khổng lồ của Trung Quốc.