Kỳ I: Động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Hình thành hệ thống các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng và từng địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là bước tạo đà vững chắc để từng bước đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí, cực tăng trưởng phía Nam của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

Huyện Gia Viễn phối hợp với Công ty TNHH Thiên Phú rà soát công tác thực hiện quy hoạch tại CCN Gia Vân (Gia Viễn).

Huyện Gia Viễn phối hợp với Công ty TNHH Thiên Phú rà soát công tác thực hiện quy hoạch tại CCN Gia Vân (Gia Viễn).

Phát triển cụm công nghiệp được coi là thành tố quan trọng nhằm khai thác được tối đa tiềm năng lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phàn nâng cao đời sống người dân và xây dựng chương trình nông thôn mới.

Lợi ích kép

Huyện Gia Viễn trước đây thường được nhắc đến với cụm từ “chiêm khê mùa thối” bởi nửa năm ngập lụt, nửa năm hạn hán, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về thành lập các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương của tỉnh, huyện Gia Viễn là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được lựa chọn để phát triển KCN.

Đến nay, Gia Viễn đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh với KCN Gián Khẩu và 3 CCN là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân. Hiện KCN Gián Khẩu đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong đó, Hyundai Thành Công chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương.

Cùng với đó, 3 CCN của huyện gồm: CCN Gia Vân có diện tích 74,77 ha, tổng vốn đầu tư 605,02 tỷ đồng, đã hoàn thành hệ thống hạ tầng và thu hút được 15 dự án thứ cấp, trong đó 9 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 84,48%; CCN Gia Lập 39,95 ha, tổng đầu tư 250,66 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút được 6 dự án, trong đó 2 dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 73,8%; CCN Gia Phú có diện tích 50 ha, tổng đầu tư 326,6 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành hạ tầng và thu hút được 11 dự án thứ cấp, trong đó 5 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 91,54%.

Với sự đóng góp tích cực của ngành công nghiệp ở địa phương đã đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao và bền vững (bình quân đạt hơn 25%/năm), quy mô kinh tế hơn 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện.

Như vậy, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển kinh tế của huyện Gia Viễn. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán “ly nông” nhưng không “ly hương”, người nông dân đã thoát ly khỏi đồng ruộng và trở thành công nhân ngay trên chính mảnh đất của mình.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho tập trung sản xuất, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, đồng thời kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, những năm gần đây, huyện Yên Mô đã có nhiều giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao năm 2024. Một trong những giải pháp quan trọng đó là huyện đã chú trọng thực hiện quy hoạch và phát triển các CCN trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có CCN Khánh Thượng đi vào hoạt động, thu hút 14 dự án vào đầu tư, diện tích đất công nghiệp cho thuê dự án 336.823,0 m2 , tỷ lệ lấp đầy là 60,8% đất công nghiệp, trong đó có 5 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút 1.200 lao động với mức lương trung bình từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Phạm Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024, trên địa bàn huyện Yên Mô có 1 KCN là KCN Yên Bình (xã Khánh Thượng); 3 CCN là CCN Khánh Thượng, CCN Yên Lâm, CCN Ninh Vân. Hiện tại, CCN Khánh Thượng đã có các quy hoạch chi tiết, các CCN còn lại đang trong quá trình rà soát, triển khai lập quy hoạch phân khu làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Các CCN này là các khu chức năng có tính chất để phục vụ và hỗ trợ sản xuất của địa phương.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa

Sự hình thành và phát triển các CCN ở khu vực nông thôn không chỉ là lời giải cho bài toán về giải quyết việc làm cho lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn mà còn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, khu vực kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Xác định việc thúc đẩy phát triển CCN có ý nghĩa quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, thời gian qua, UBND huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh, trong đó phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng CCN và đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Huyện Kim Sơn cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục, các quy trình để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn, đặc biệt đầu tư vào CCN Đồng Hướng.

Trong thu hút đầu tư, huyện Kim Sơn định hướng phát huy các nguồn lực, lợi thế sẵn có của địa phương, cụ thể là các dự án về sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: Sản phẩm từ cói, bèo, bẹ chuối; sản xuất đồ chơi; chế biến thủy, hải sản; sản xuất rượu…

Đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn có CCN Đồng Hướng (giai đoạn 1) đang hoạt động, với quy mô 17,12 ha. Đã thu hút đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% và giai đoạn 2 (phần mở rộng) với diện tích 18,768 ha đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó có kết nối với hạ tầng, thu gom và xử lý nước thải của giai đoạn 1.

Hiện nay, CCN (phần mở rộng) đã tiếp nhận 9 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào CCN, trong đó có 1 dự án đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trên địa bàn huyện Kim Sơn tiếp tục quy hoạch KCN Kim Sơn (quy mô 200 ha), đồng thời quy hoạch bổ sung mới 2 CCN: CCN Xuân Chính (quy mô 75 ha), CCN Chất Bình (quy mô 75 ha)… để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập, mở rộng 17 CCN. Hiện có 13 CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 108 dự án thứ cấp và 256 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI có năng lực kinh doanh tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp trong CCN trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 32.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Tại các doanh nghiệp trong khu, CCN, người lao động có chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt, được đóng bảo hiểm theo đúng quy định. Sự phát triển của các CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho Nhà nước, đồng thời gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng NTM toàn tỉnh, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu năm 2025, Ninh Bình trở thành tỉnh nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-i-dong-luc-quan-trong-de-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-569104.htm
Zalo