Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét 64 nhóm nội dung và nhiều vấn đề quan trọng khác

Trong bốn vấn đề được rút khỏi chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV lần này có nội dung về khu kinh tế Vân Đồn.

Chiều 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay còn một tuần nữa kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Dự kiến ngày 3-5, cấp có thẩm quyền sẽ họp và ngày 4-5 sẽ họp các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Bổ sung nhiều nội dung vào chương trình kỳ họp

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết kỳ họp thứ 9 lần này bổ sung 10 nội dung do đã có ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến và Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ.

Có ba nội dung bổ sung là các báo cáo của Chính phủ, lồng ghép vào tình hình phân bổ, giao dự toán các khoản ngân sách chưa giải ngân năm 2024; chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, vướng mắc và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp; tình hình, các giải pháp ứng phó với thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.

Có bốn nội dung được rút ra khỏi chương trình gồm sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến lĩnh vực quân sự - quốc phòng; nội dung về cơ chế đặc thù đào tạo một số ngành trong lĩnh vực nghệ thuật; chủ trương đầu tư vành đai 4 TP.HCM; dự thảo nghị quyết của Quốc hội về khu kinh tế Vân Đồn vì các chủ thể có thẩm quyền cũng chưa đề xuất.

 Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bổ sung nhiều nội dung về lập hiến, lập pháp. Ảnh: QH

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bổ sung nhiều nội dung về lập hiến, lập pháp. Ảnh: QH

Tổng cộng, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ có 64 nhóm nội dung về lập hiến, lập pháp, kinh tế - xã hội và các vấn đề khác.

Kỳ họp sẽ kéo dài 37 ngày, khai mạc vào sáng 5-5 và bế mạc vào 28-6, chia làm hai đợt.

“Kỳ họp ưu tiên bố trí thời gian để Quốc hội xem xét, thảo luận thông qua cùng một thời điểm các nội dung liên quan trực tiếp với nhau, rút ngắn thời gian trình bày, ưu tiên bố trí thảo luận các dự án luật trình thông qua trong đợt hai” - Tổng thư ký Lê Quang Tùng cho hay.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nói chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương khẩn trương như hiện nay. Ảnh: QH

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nói chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương khẩn trương như hiện nay. Ảnh: QH

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết chủ trương đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM và các công tác chuẩn bị đã được tiến hành bốn năm nay. Bộ Tài chính cũng đã thẩm định xong.

“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và TP.HCM hoàn thiện, tiếp thu ý kiến và xin trình Quốc hội tại đợt họp thứ 2” - Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Về Nghị quyết phát triển khu kinh tế Vân Đồn, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, hiện Bộ Tài chính và tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai rất tích cực. Chưa bao giờ các tỉnh và Chính phủ khẩn trương như hiện nay.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin Nghị quyết về Vân Đồn cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Còn dự án đường vành đai 4 TP.HCM thì cứ để ngỏ trong chương trình của Quốc hội.

Phải tháo gỡ khó khăn để đất nước phát triển

Sau khi nghe các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định kỳ họp này là kỳ họp lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử.

Ông cho biết đã cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi và thống nhất những vấn đề cấp thiết, cấp bách cho việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết của Trung ương như sửa Hiến pháp và các luật có liên quan là ưu tiên số 1. Ưu tiên số 2 là các vấn đề liên quan tới kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, ban hành các luật, nghị quyết có thể thực hiện được ngay.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử. Ảnh: QH

“Tổng Bí thư cũng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đất nước phát triển. Bây giờ đã chậm lắm rồi, tháo gỡ thế nào thì Chính phủ trình qua Quốc hội. Ví dụ luật đường sắt, lúc đầu chủ trương là thí điểm nhưng các lãnh đạo thấy phải cho làm ngay đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án điện hạt nhân. Các nhà đầu tư đang chờ cơ chế được tháo gỡ” - Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Với vấn đề ngân sách, Chủ tịch Quốc hội cũng trích dẫn lời Tổng Bí thư về phân cấp mạnh cho địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

“Kỳ họp này rất nhiều nội dung lớn nhưng phải đảm bảo quy trình, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm các nguyên tắc và đặt chất lượng lên trên hết, trước hết” - ông Mẫn yêu cầu.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban của Quốc hội kiểm soát tờ trình tóm tắt các dự luật. Bộ ngành nào làm không đúng thì phải trả lại. Báo cáo thẩm tra cũng phải rà soát để bảo đảm thời gian, trừ báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội có thể dài hơn vì liên quan đến tình hình của cả năm.

Trình Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết dự luật một luật sửa các luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đang được Thủ tướng và hai bộ Quốc phòng, Công an đang rất khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan; dự kiến sẽ có thể trình ra được Quốc hội kỳ này.

Về tình hình, giải pháp với thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Chính phủ và Bộ Công Thương đang xây dựng một báo cáo để gửi các đại biểu Quốc hội, đồng thời lồng ghép một số nội dung vào báo cáo kinh tế - xã hội trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp.

Ông Sơn cho biết Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân thì Chính phủ đã hoàn thiện và chiều nay (28-4), dự thảo Nghị quyết này sẽ được Chính phủ gửi trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-xem-xet-64-nhom-noi-dung-va-nhieu-van-de-quan-trong-khac-post847075.html
Zalo