Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quyết định những giải pháp lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước
Sáng 5/5, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo hình thức tập trung và được chia làm 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5 đến ngày 29/5; đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/6.

Sáng ngày 5/5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng
Xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp
Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, kỳ họp lần này thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Với chương trình làm việc dày đặc, Quốc hội dự kiến xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, cũng như công tác nhân sự. Không chỉ là diễn đàn của những quyết sách lớn, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV còn thể hiện tinh thần đổi mới, minh bạch và trách nhiệm trước nhân dân của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, trong đó có 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp. Một nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp này là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là công việc hết sức hệ trọng nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung, đó là: Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng). Quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng "tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn". Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và nhiều nội dung quan trọng
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội nghe lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025. Đồng thời nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV...
Đặc biệt là xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...

Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng
Một trong những nội dung được đông đảo cử tri trong cả nước dõi theo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là việc Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, đây là một bước đi có ý nghĩa lớn cả về phương diện quản trị quốc gia lẫn phát triển kinh tế - xã hội. Dưới góc độ tích cực, đây là chủ trương nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm ngân sách và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch không gian phát triển đồng bộ, bền vững hơn. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng kỳ vọng sẽ giảm tình trạng phân tán nguồn lực, khắc phục sự cồng kềnh trong bộ máy, đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, quá trình sáp nhập sẽ đặt ra không ít thách thức, từ việc ổn định tổ chức bộ máy mới, giải quyết bài toán nhân sự dôi dư đến việc đảm bảo sự đồng thuận của người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa vùng miền và tránh làm phát sinh những xáo trộn không cần thiết trong đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan. Thành công của nghị quyết này phụ thuộc rất lớn vào cách thức triển khai thực hiện ở các cấp chính quyền, sự công khai, minh bạch trong quy trình cũng như lộ trình sắp xếp khoa học, hợp lý. Đặc biệt, việc đồng thời thông qua nhiều nội dung quan trọng khác cho thấy Quốc hội đang thể hiện vai trò kiến tạo phát triển và chủ động ứng phó với những yêu cầu cấp bách, dài hạn của đất nước. Điều này góp phần củng cố niềm tin của cử tri đối với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Quốc hội.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững. Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cao độ, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, thảo luận sâu sắc, quyết định sáng suốt; cùng với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Lê Hà(tổng hợp)