Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được tiến hành theo 2 đợt, sẽ bàn về những quyết sách lịch sử

Chiều nay (4/5), tại Nhà Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Gia Thành)

Toàn cảnh Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Gia Thành)

Báo cáo về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 5/5, dự kiến bế mạc chậm nhất ngày 30/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5-29/5; Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất ngày 30/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn thông tin: “Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về các nội dung Kỳ họp, tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực triển khai, rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ Kỳ họp”.

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. (Nguồn: Quốc hội)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. (Nguồn: Quốc hội)

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể: Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025; xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng thời, xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho hay, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề thực sự cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh những luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Kỳ họp thứ 9; tuyên truyền về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chú trọng thông tin tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số", ông Vũ Minh Tuấn nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan báo chí cần bám sát Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền và Đề cương tuyên truyền về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, đối với công tác thông tin, tuyên truyền về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các cơ quan báo chí cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Ông Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh: "Do đó, đề nghị các cơ quan báo chí cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; bám sát Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án do Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công khai trình Quốc hội..."

Tại Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên; tham mưu Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Thông cáo báo chí về các chương trình và nội dung của Kỳ họp; ban hành Thông cáo báo chí hàng ngày về các chương trình nghị sự của Kỳ họp; ban hành đề cương tuyên truyền về các nội dung Quốc hội xem xét và quyết định bảo đảm đúng quy định.

Ngoài ra, hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026), Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan báo chí, nhà báo tích cực hưởng ứng và gửi tác phẩm tham dự Giải Diên Hồng lần thứ 4, năm 2026 với chủ đề 80 năm Quốc hội Việt Nam.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-duoc-tien-hanh-theo-2-dot-se-ban-ve-nhung-quyet-sach-lich-su-313188.html
Zalo