Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận ở tổ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận tại tổ 18 (gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa, Trà Vinh); đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chủ trì thảo luận.
Phát biểu thảo luận ở tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Phạm Hùng Thắng nhất trí với 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình, tập trung theo 3 trụ cột, đó là giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu tác hại của ma túy. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình nhằm thích ứng với những biến đổi của tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, đồng thời đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết cần xem xét cân nhắc bảo đảm tính khả thi, như: các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2030, có một số chỉ tiêu đặt ra là đạt 100% (điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy) phấn đấu được phát hiện, triệt phá; diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá… việc đạt được kết quả tuyệt đối là rất khó khả thi do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề ra chỉ tiêu phù hợp, linh hoạt (ví dụ: đạt tỷ lệ trên 90%).
Trong nhóm chỉ tiêu giảm cung, có chỉ tiêu: “trên 70% lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cảnh sát biển được ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại…”; “trên 80% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu…”. Theo đại biểu còn thiếu lực lượng Bộ đội biên phòng. Đây là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua. Đồng thời, đề nghị nên xem xét, quy định các chỉ tiêu cụ thể của tất cả các lực lượng tham gia công tác phòng, chống ma túy. Tùy theo tính chất, mức độ tham gia của từng lực lượng có thể quy định tỷ lệ thực hiện khác nhau cho phù hợp.
Đối với nguồn vốn thực hiện chương trình, dự kiến ngân sách nhà nước bố trí khoảng 22.450 tỷ đồng trong 5 năm; theo đại biểu nguồn vốn như vậy là ít so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với nguồn vốn ngân sách được bố trí trên 125.000 tỷ đồng trong 5 năm, như vậy có sự chênh lệch rất lớn. Mục tiêu phát triển văn hóa rất quan trọng, nhưng nội dung này cũng hết sức quan trọng, là tiền đề để xây dựng một xã hội bình yên và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu để bố trí nguồn ngân sách phù hợp bảo đảm cho việc thực hiện chương trình đạt kết quả cao.
Đối với Dự án 5 về nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, theo đại biểu, hiện nay người cai nghiện trở về có tỷ lệ tái nghiện tương đối cao, dẫn đến giảm hiệu quả công tác cai nghiện, lãng phí nguồn lực xã hội. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện nay thì người nghiện ma túy được coi là người bệnh, không phải tội phạm do đó việc quản lý người nghiện, người cai nghiện trở về rất khó khăn. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sau cai nghiện, ngăn chặn việc tái nghiện.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung một nội dung về công tác phòng, chống các chất gây nghiện, chất gây ảo giác (bóng cười, nước vui…) và các tiền chất ma túy; đề nghị rà soát các văn bản, quy định liên quan đến công tác phòng, chống ma túy để bảo đảm đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện.
Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển ngành công nghiệp hóa chất cũng như quản lý hóa chất, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 17 năm thực hiện luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo trong mối liên hệ với các luật liên quan, kể cả các dự án luật đang trình Quốc hội thông qua như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Tham gia ý kiến thảo luật về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Hùng đề nghị: Vận chuyển các loại hóa chất đặc biệt cấm, nguy hiểm, cần bổ sung thêm điều kiện quy định đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất trên đường bộ, thủy… Quản lý chặt các giai đoạn nghiên cứu, thí nghiệm, mua, bán, sử dụng hóa chất, nhất là xyanua…
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung trong chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và các dự án luật. Đồng chí đề nghị thư ký đoàn ĐBQH các tỉnh tổng hợp đầy đủ nội dung thảo luận, gửi về cơ quan soạn thảo.