Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa rất quan trọng

Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của đất nước; thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp trông đợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về 3 dự án luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ thảo luận để thống nhất một số nội dung, chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, công việc rất nặng nề, dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc. Chính phủ dự kiến sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, theo quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, Kỳ họp thứ 8 rất quan trọng với sự phát triển của đất nước; thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp rất trông đợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Lấy một số ví dụ như yêu cầu xây dựng lại cầu Phong Châu (Phú Thọ) trong năm 2025; khẩn trương hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do bão; thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao… Thủ tướng nêu rõ, những việc này đều đòi hỏi cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nắm bắt xu thế, tận dụng được các cơ hội, phát huy được mọi nguồn lực phát triển.

Nhấn mạnh tình hình biến đổi nhanh thì phải phản ứng chính sách, ứng xử kịp thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cao với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là "vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, trách nhiệm ở cấp nào thì cấp đó giải quyết". Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp.

ĐỔI MỚI TƯ DUY XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện theo đúng tinh thần, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 trong triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, tạo tiền đề, bứt phá để đất nước ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo chủ chốt và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Đó là đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; các luật, nghị quyết trình Quốc hội có chất lượng, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có "tuổi thọ" cao; quán triệt sâu sắc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong thời gian vừa qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày đêm, để chuẩn bị cho các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Ông đề nghị, việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau, kể các các lãnh đạo, trưởng ngành; trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận, có lý lẽ khoa học, thực tiễn, để đi đến thống nhất phương án.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ky-hop-thu-8-co-y-nghia-rat-quan-trong-34470.html
Zalo