Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai có nhiều ý kiến, góp ý về các dự án luật
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp giữa năm với khối lượng công việc rất lớn. Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Tại kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tham gia với nhiều ý kiến, góp ý xây dựng pháp luật.
* Góp ý sát sườn với thực tế
Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Xung quanh nội dung này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho biết, đối với nội dung tiền đặt trước quy định tại Khoản 23, Điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo) đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39 như sau: Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Quy định thêm trường hợp khi bỏ đấu giá không có do chính đáng thì tiền đặt cọc sẽ được sung vào công quỹ.
Tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3-4-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: “c) Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất”; Tại điểm c, Khoản 1, Điều 83 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai 2024 quy định: “c) Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất”. Đề nghị xem xét, sửa đổi thống nhất giữa Nghị định 10/2023/NĐ-CP; dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản (dự thảo).
Góp ý về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ (Điều 63), Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị làm rõ cơ chế, nguồn lực của Nhà nước để kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định về “thời gian lái xe” và “thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục” của các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận tải nội bộ và người lái xe ô tô. Qua đó, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về nghĩa vụ “trước khi thực hiện vận tải hàng hóa, yêu cầu người chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa phải cam kết bằng văn bản về số hàng hóa vận chuyển đúng quy định của pháp luật” nhằm tránh tình trạng cố ý vận chuyển tải trọng quá quy định gây hậu quả nghiêm trọng trong việc đảm bảo an toàn gia thông.
Với góp ý về Luật Đường bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ý kiến là cần xem lại tỷ lệ quỹ đất các đô thị theo quy định tại Khoản 2, trong đó tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị cần tính toán mức hợp lý vì các khu đô thị lớn hiện nay quỹ đất giao thông còn rất ít.
* Kiến nghị với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp ý nội dung về tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 62), Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho hay, do thực tế khi xử lý các vụ việc liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trên chỉ áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu, không quy định về việc xử lý tang vật sau khi tịch thu. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung trên để áp dụng các trường hợp tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tiến hành phân loại, thanh lý hoặc tiêu hủy.
Với góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, nội dung việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt (điều 20a được Khoản 13, Điều 1, dự thảo Luật bổ sung sau Điều 20 Luật Cảnh vệ), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thẩm quyền cấp Giấy bảo vệ đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
* Nhiều góp ý cho 11 dự án luật lần đầu cho ý kiến
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân...
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tham gia với nhiều ý kiến, góp ý xây dựng các dự án luật.
Đối với Luật Công chứng (sửa đổi), Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường kiến nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc nên quy định thêm một khoản mới với nội dung: “Tổ chức hành nghề công chứng gồm hai loại hình là phòng công chứng và văn phòng công chứng. Mỗi tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng, văn phòng công chứng) phải có ít nhất hai công chứng viên trở lên”. Nhằm bảo đảm sự bình đẳng của 2 loại hình hoạt động giữa phòng và văn phòng.
Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc “Chính phủ quy định chi tiết về những chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn” vào chương này. Do hiện nay có sự mất cân bằng trong phân bổ các tổ chức hành nghề công chứng, ở những nơi vùng sâu, vùng xa ít hợp đồng giao dịch sẽ không có tổ chức hành nghề công chứng được thành lập hoặc hoạt động; trong khi nơi có nhiều giao dịch thì tổ chức hành nghề công chứng tập trung quá nhiều, gây cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng...
Về Luật Tư pháp người chưa thành niên, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thay đổi tên gọi của luật thành “Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên”. Với lý do, mục tiêu của luật là quy định về các thủ tục tư pháp đối với đối tượng là người chưa thành niên nên việc thay đổi tên gọi của luật sẽ phù hợp hơn, đồng thời thể hiện đầy đủ mục đích, ý nghĩa của dự luật cũng như phạm vi điều chỉnh.
Về áp dụng Luật Tư pháp người chưa thành niên và các luật có liên quan (Điều 3 ), quy định như nội dung Điều 3, dự thảo, dẫn đến cách hiểu những quy định tại luật này là quy định được dẫn chiếu đối với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các luật khác. Như vậy là chưa đúng với quy định về hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và quy định lại nội dung tại Điều 3 này cho phù hợp.
Tại kỳ họp lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có các kiến nghị, ý kiến về các dự án luật: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phòng không nhân dân; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20-5 đến 28-6 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 là từ ngày 20-5 đến 8-6 và đợt 2, từ ngày 17-6 đến sáng 28-6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 26,5 ngày.
Thanh Hải (ghi)