Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Y tế và bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước
Chiều 21-10, với 459/460 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn- Ủy viên Trung ương (TƯ) Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kiện toàn nhân sự
Chiều 21-10, với 459/460 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn- Ủy viên Trung ương (TƯ) Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Với 434/458 đại biểu có mặt tán thành (87,15%), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan- Ủy viên TƯ Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 – 2026; ông Nguyễn Văn Thắng-Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021- 2026.
Ông Ngô Văn Tuấn, sinh năm 1971; quê quán xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh; có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ kinh tế; Cao cấp lý luận chính trị. Ông Ngô Văn Tuấn từng kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từng được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư, sau đó được điều động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Từ tháng 10-2020 đến nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Ngô Văn Tuấn được bầu làm Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII. Ngày 24-7-2022, ông Ngô Văn Tuấn được phân công giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước;Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách Kiểm toán Nhà nước.
Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, trình độ Thạc sĩ kinh tế, là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước khi được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Bà Đào Hồng Lan từng là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB và XH.
Ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, quê quán Từ Liêm, Hà Nội, là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên; trình độ chuyên môn Tiến sĩ tài chính lý thuyết tiền tệ. Ông Nguyễn Văn Thắng từng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, sáng 21-10, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Với 472/472 đại biểu có mặt tán thành (94,78%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Sỹ Thanh. Với 459/463 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thể.
Theo Quyết định số 567/QĐ-TW ngày 14-7-2022, Bộ Chính trị quyết định ông Trần Sỹ Thanh thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Kiểm toán nhà nước; điều động, phân công ông Trần Sỹ Thanh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.Sau đó, ông Trần Sỹ Thanh được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.
Chiều 21-10, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tổ chức Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể- Ủy viên T.Ư Đảng thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải; điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Nguyễn Văn Thể sinh ngày 27-11-1966, quê quán tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông đã có 33 năm công tác, trưởng thành từ thực tiễn, qua nhiều chức vụ: Bí thư huyện ủy Tân Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng khóa XI, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, XIII.
Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ
Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau. Cụ thể: đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức Khiển trách, thời hiệu kỷ luật Đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 5 năm.
Do có sự khác nhau nên thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể” (khoản 10 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW) và chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, để khắc phục vướng mắc này, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, quy trình sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định. Do đó, sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.
Từ đó, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cụ thể: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".
Bên cạnh đó là giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua rà soát pháp luật hiện hành, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Luật Cán bộ, công chức (Điều 80) và Luật Viên chức (Điều 53) chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định mới về kỷ luật của Đảng, dẫn tới một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì hết thời hiệu theo quy định của Luật, do đó, làm giảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm theo pháp luật của Nhà nước.
Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm, yêu cầu trong các văn kiện của Đảng, Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng, qua đó, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất các quy định về nội dung này.