Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII: Đại biểu thảo luận, giải trình tại hội trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu tổ chức thảo luận chung tại hội trường, lãnh đạo các sở, ngành giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu quan tâm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lưu Công Hữu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lưu Công Hữu.

Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lưu Công Hữu cho biết: Năm 2024 có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH), trong đó, tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này thấp hơn trung bình cả nước 5,4%, hiện tỉnh mới đạt 42,2%. Trong đó, giải ngân vốn kéo dài từ năm 2023 sang 2024 chỉ đạt hơn 550 tỷ đồng/1.300 tỷ đồng, tương đương 42% KH. Hiện nay, một số dự án được bố trí vốn từ 2023 và 2024, nếu không giải ngân được sẽ bị thu hồi nguồn vốn về ngân sách Trung ương; đối với ngân sách địa phương sẽ bị thu hồi về ngân sách tỉnh theo quy định. Trong đó, có 3 tuyến đường tránh Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa chưa giải ngân được như kế hoạch. Thời gian qua, Sở đã bám sát và trao đổi với các địa phương về vấn đề đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, qua thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn. Chủ đầu tư là chịu trách nhiệm đầu tiên về vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm.

Đối với KH đầu tư công trung hạn từ đầu nhiệm kỳ được tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dấn đến phải cắt giảm gần 30 dự án để tăng phần vốn ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, dẫn đến cắt giảm và giãn tiến độ một số dự án khác, để dành nguồn lực hoàn thiện dự án cao tốc. Tỉnh phấn đấu 525 ngày đêm sẽ hoàn thành thông tuyến cuối năm 2025.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Ngọc Tú.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Ngọc Tú.

Về lĩnh vực tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Hà Ngọc Tú cho rằng: Chỉ tiêu thu nội địa, nhất là thu từ đất đạt thấp, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có vấn đề hoàn thiện thủ tục hồ sơ để thực hiện bán đất chậm, do thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng, bán đấu giá không thành công. Một số giải pháp cần đưa ra năm 2025 để tăng thu từ đất, đó là quyết liệt tập trung chỉ đạo và thực hiện giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đo đạc, các thủ tục hành chính nhằm sớm hoàn thành các thủ tục hồ sơ đảm bảo đủ điều kiện đấu giá đất theo đúng quy định. Cùng với đó, hiện nay thị trường BĐS đã “ấm dần lên”, đây là tín hiệu tốt để tỉnh có thể nâng cao nguồn thu nội địa, trong đó có thu từ đất.

Trả lời cử tri Hà Quảng kiến nghị về xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại trụ sở làm việc của xã Tổng Cọt từ đất quốc phòng sang đất công để huyện quản lý và sử dụng, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có tờ trình gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, hiện tại đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau đó sẽ tiến hành các thủ tục theo trình tự quy định để chuyển đất quốc phòng sang đất công cho huyện quản lý và sử dụng.

Giám đốc Sở Tài chính cũng giải trình, làm rõ một số nội dung về nguồn lực, mức chi của các dự thảo NQ liên quan đến lĩnh vực tài chính trình tại kỳ họp. Theo đó, khi xây dựng dự thảo các nghị quyết (NQ), Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét đưa ra con số phù hợp với thực tế và khả năng của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nông Quốc Hùng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nông Quốc Hùng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nông Quốc Hùng cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 đạt kết quả thấp, đến hết tháng 10/2024, tỉnh chỉ có 2 xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí nông thôn mới (đạt 2/5 xã so với mục tiêu năm 2024). Năm 2025, tỉnh xác định mục tiêu có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là thiết chế văn hóa xóm, nhà ở dân cư. Để thực hiện hiệu quả chương trình, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và sự chung sức, đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Sở với vai trò là cơ quan thường trực sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đôn đốc đối với từng tiêu chí, từng lĩnh vực để các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng, trách nhiệm của mình sẽ có các chương trình, kế hoạch trong năm cụ thể triển khai hiệu quả.

Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh có thêm 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; giai đoạn 2021 - 2025, có 1 sản phẩm OCOP 5 sao; chủ thể OCOP đặt ra chỉ tiêu 40% chủ thể là hợp tác xã tham gia OCOP nhưng đến nay mới đạt 29,7%. Hiện nay, các huyện đang tiến hành đánh giá các sản hẩm OCOP, dự kiến hết năm 2024 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, qua rà soát, các sản phẩm OCOP của đơn vị được đón nhận nhưng vấn đề sản lượng chưa đáp ứng xuất khẩu, vì các cơ sở tổ chức sản xuất nhỏ lẻ. Sở sẽ tiếp tục ra soát, hỗ trợ các đơn vị, chủ thể phát triển các sản phẩm. Trong hơn 170 HTX, có nhiều HTX trồng trọt, chăn nuôi nhưng không tham gia vào các chuỗi cung ứng trực tiếp. Sở sẽ tiếp tục lựa chọn các HTX có khả năng đạt tiêu chuẩn tham gia vào OCOP để hỗ trợ xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Đến ngày 31/10, thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở mới thực hiện đạt 48,3%, khó hoàn thành mục tiêu năm 2024. Qua kiểm tra thực tế các địa phương, việc thực hiện di dời hiện nay gặp một số khó khăn, nguyên nhân do nhiều khu vực người dân thường làm nhà sát nhau, quỹ đất hạn hẹp không có mặt bằng để làm chuồng trại. Sở đã đề xuất và có hướng dẫn cho các huyện xây dựng phương án làm bể bioga để xử lý vệ sinh môi trường đối với các hộ dân không đủ điều kiện để di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Đồng thời, đề nghị các huyện tăng cường các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, huy động nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của tỉnh về di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, góp phần hiệu quả vào thực tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Với diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên lớn, tỉnh có tiềm năng để khai thác tín chỉ carbon, đây là một hướng đi mới, có thể đem lại thu nhập từ kinh tế rừng cho các hộ dân đang có rừng. Đối với vấn đề bán tín chỉ carbon, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ để thực hiện quy trình bán tín chỉ carbon theo quy định trong thời gian tới, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Định.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Định.

Đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Văn Định cho biết: Việc chậm tiến độ dự án tuyến tránh thành phố Cao Bằng nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện thời tiết trong năm mưa nhiều, đặc biệt do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đã gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến khiến khối lượng thi công tăng lên đáng kể. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, từ công tác đền bù và công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn do một số hộ dân chưa di dời. Trước những vướng mắc nêu trên, Sở đã xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải tiến hành rà soát khối lượng công việc còn lại, lập tiến độ thi công chi tiết, xác định mốc thời gian hoàn thành các hạng mục còn lại. Theo đó, đã tăng nguồn vốn đầu tư lên 139 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến hết năm 2025, đồng thời, tiến hành đôn đốc các đơn vị thi công huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu, tổ chức thi công khoa học, hoàn thành dự án theo thời hạn yêu cầu. Về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, hiện nay vẫn còn vài hộ dân chưa di dời, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, trong thời gian tới sẽ áp dụng các biện pháp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với một số dự án khác trên địa bàn tỉnh, Sở đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án trên địa bàn tỉnh, đốc thúc các đơn vị khắc phục khó khăn để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn do thời tiết và thiếu nguyên vật liệu…; phối hợp với các cơ quan liên quan, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đơn vị thi công khắc phục khó khăn, tăng ca, tăng kíp để đảm bảo tiến độ thi công.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh.

Đối với việc tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết: Hiện nay, đang thực hiện theo Nghị định số 116/2024 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng quản lý công chức và Nghị định 85/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 115/2020 về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Về việc ưu tiên trong tuyển sinh vào đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số hiện nay tỉnh đang thực hiện theo Nghị định 141, theo đó quy định rõ chế độ cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển, xét tuyển.

Ngoài ra, về việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy bên trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang được đẩy mạnh triển khai. Đến nay, đối với các cơ quan hành chính nhà nước đã giảm được 144 biên chế, bằng 112,41%; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 220 biên chế, bằng 132,05%. Hiện đang tiếp tục rà soát, sắp xếp tại các đơn vị chưa hoạt động hiệu quả. Trong năm 2025 tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo: Thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, Thành phố triển khai nhiệm vụ tổ chức cai nghiện ma túy. Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ kịp thời, tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 về quy định nội dung, mức chỉ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với người cai nghiện ma túy người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các văn bản của tỉnh, các huyện, Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện cử cán bộ tư vấn, hướng dẫn cho người nghiện tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, người nghiện lại lựa chọn cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, do đối tượng vào cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh là được hỗ trợ các khoản chi phí thuốc men, chỗ ăn ở, sinh hoạt. Tỉnh chưa thực hiện cai nghiện tại cộng đồng là do: Hiện nay, chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào tại cấp huyện được quy định về chức năng, nhiệm vụ, có tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất trang thiết bị, điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đòng; Trung ương chưa ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An: Sự tàn phá của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng mọi mặt, giao thông bị chia cắt, các cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch phải tạm ngừng. Để phục hồi và kích cầu hoạt động du lịch thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng sau hậu quả của bão, lũ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3, nhất là điểm sạt, lở tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch thác Bản Giốc,…; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ; chỉ đạo Hiệp hội du lịch tỉnh và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra các chương trình khuyến mại, các gói sản phẩm mới; tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tham gia, tổ chức giới thiệu quảng bá du lịch trong nước và quốc tế; tích cực truyền thông du lịch Cao Bằng đã sẵn sàng đón tiếp du khách; xuất bản ấn phẩm quảng bá du lịch; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt đẩy mạnh quảng bá thông qua các website, nền tảng mạng xã hội; xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức các hoạt động, sự kiện nhân dịp Tết Dương lịch 2025. Đến hết tháng 11/2024, nhìn chung du lịch của tỉnh đã phục hồi.

Một số vấn đề khác được đưa ra thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, lãnh đạo các sở, ngành đã giải trình những kiến nghị, như: Đầu tư kinh phí xây dựng, phục dựng một số hạng mục công trình trong tuyến du lịch “Một thời hoa lửa”; sử dụng trang phục dân tộc trong các khu điểm du lịch; đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ tại Khu du lịch Thác Bản Giốc; tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu, các dự án; tình hình thực hiện đấu tranh, phòng ngừa tội phạm công nghệ cao; vi phạm trật tự an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng bán đồ ăn sáng và ăn quà vặt khu vực cổng trường học...

Nhóm phóng viên Điện tử

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-khoa-xvii-dai-bieu-thao-luan-giai-trinh-tai-hoi-truong-3174116.html
Zalo