Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh: Chất vấn 3 nhóm vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Bắc Giang, sáng 11/12 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn. Dự buổi chất vấn có đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.

 Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Khắc phục hạn chế trong thi hành án dân sự

Mở đầu, các đại biểu chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực pháp chế. Đại biểu Đặng Hồng Chiến, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Hiệp Hòa phản ánh: Những năm gần đây, thông qua hoạt động kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự (THADS) cho thấy chất lượng, hiệu quả có mặt còn hạn chế. Nổi bật là chậm tổ chức thi hành án; trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án chưa bảo đảm…

Trả lời về nội dung này, bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Những năm gần đây, khối lượng việc phải thi hành án của các cơ quan THADS tăng nhiều, trong khi biên chế tiếp tục bị cắt giảm.

Năm 2024, toàn tỉnh phải giải quyết hơn 15 nghìn việc với số tiền hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Cơ quan thi hành án đã thi hành xong hơn 10,7 nghìn việc đạt 85,23%, vượt chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn những hạn chế thiếu sót như đại biểu đã nêu.

Để khắc phục, Cục THADS sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chấp hành viên; chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý những vụ việc phức tạp…

 Bà Nguyễn Thị Bích Tần trả lời chất vấn.

Bà Nguyễn Thị Bích Tần trả lời chất vấn.

Về tình trạng một số người THA cố tình trốn tránh, không kê khai hoặc kê khai thông tin không đầy đủ, thiếu trung thực tài sản để phục vụ thi hành án, bà Tần cho biết thêm: Cơ bản các đối tượng không chấp hành đều tìm cách cản trở, trốn tránh việc thi hành bản án. Với thẩm quyền của cơ quan THADS, đơn vị tiếp tục tăng cường việc vận động tuyên truyền, xử phạt vi phạm hành chính. Năm 2024, đơn vị đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 19 đối tượng, cơ quan công an xử lý hình sự 1 đối tượng chống đối người THA.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Lạng Giang thông tin: Qua khảo sát cho thấy, mặc dù kết quả THA đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng năm 2024 cao hơn so với năm 2023 nhưng tỷ lệ vẫn đạt thấp. Quá trình THA gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Bích Tần cho biết: Xử lý các tài sản thế chấp có một số khó khăn, vướng mắc như: Tài sản khi thế chấp được thẩm định với giá trị lớn, nhưng khi cơ quan THADS xử lý tài sản thì giá trị đã giảm rất nhiều. Đặc biệt là các tài sản máy móc, thiết bị sản xuất, phương tiện giao thông vận tải…

 Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng đặt câu hỏi chất vấn.

Một số trường hợp tài sản là máy móc chuyên ngành, các bên liên quan không cung cấp được thông tin của tài sản; việc giám định, định giá tài sản mất nhiều thời gian và chi phí, dẫn đến quá trình tổ chức THA bị kéo dài.

Giải pháp của ngành là tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thế chấp để sớm thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Mặt khác tích cực phối hợp với ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để cùng tháo gỡ vướng mắc.

Liên quan đến việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của các chi nhánh văn phòng đất đai còn chậm, không đầy đủ làm ảnh hưởng đến tiến độ xác minh và tổ chức thi hành án, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm việc phối hợp.

Tăng cường phổ biến quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; quan tâm vận động người phải THA nghiêm túc chấp hành bản án. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có giải pháp sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa hồ sơ, hạn chế việc thất lạc hồ sơ…

 Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động

Đại biểu Ngô Sỹ Long, Tổ Đại biểu HĐND khu vực TP Bắc Giang nêu vấn đề: Thời gian qua, việc quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề ở cấp xã còn hạn chế, thiếu kiểm soát đồng bộ.

Cơ bản các DN nhỏ, cơ sở sản xuất hợp đồng lao động thời vụ hoặc thuê khoán công việc chưa được quán triệt, tập huấn, kiểm tra hướng dẫn về ATVSLĐ nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Trả lời nội dung này, ông Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do trên địa bàn tỉnh số lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ còn hạn chế, đa số là kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật ATVSLĐ. Nhiều DN nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề chưa nắm rõ các kiến thức cơ bản về kỹ thuật ATVSLĐ.

 Ông Dương Ngọc Chiên trả lời chất vấn.

Ông Dương Ngọc Chiên trả lời chất vấn.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ đối với các loại hình DN nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đề nghị UBND cấp huyện rà soát, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để làm công tác ATVSLĐ. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho cán bộ làm công tác này ở cấp huyện, xã.

Đại biểu Hà Văn Bé, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Yên Dũng phản ánh: Khi đi thực tế tại một số DN sản xuất, bằng cảm quan thông thường thấy một số nhà máy có tiếng ồn rất lớn, bụi nhiều hoặc sặc mùi sơn, hóa chất… có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Tuy nhiên khi kiểm tra kết quả quan trắc môi trường lao động, đo các chỉ số về tiếng ồn, bụi, hơi khí độc… của DN đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép.

Làm rõ nội dung này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc cảm nhận giữa thực tế về môi trường lao động và kết quả quan trắc môi trường lao động khác nhau do nhiều yếu tố như thời điểm quan trắc không hợp lý, máy hoạt động chưa hết công suất hoặc do DN thay đổi quy trình sản xuất, công suất khiến môi trường lao động thay đổi. Trong khi kết quả quan trắc chỉ phản ánh được một phần của tình hình tổng thể.

Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát độc lập các DN trong việc thực hiện quan trắc môi trường lao động theo phân cấp quản lý. Tiến hành quan trắc liên tục và ở nhiều thời điểm đối với DN có môi trường làm việc có nguy cơ cao; thực hiện quan trắc liên tục, đo đạc tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày và ở nhiều khu vực khác nhau trong nhà máy.

Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra các cơ sở công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Nếu phát hiện có sự thiếu minh bạch trong báo cáo quan trắc hoặc có gian lận trong quá trình đo đạc sẽ xử lý theo quy định.

 Đại biểu Trần Thị Kim Ngân nêu câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Kim Ngân nêu câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Kim Ngân, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Lục Ngạn đặt câu hỏi: Hiện nay, ngoài các khu công nghiệp tập trung còn có rất nhiều DN, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ chưa chú trọng đầu tư cho công tác bảo hộ lao động. Vậy giải pháp nào để bảo vệ an toàn sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực này?

Trả lời câu hỏi này, ông Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai nhiều giải pháp để khắc phục như: Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn, tư vấn cải thiện điều kiện làm việc. Hướng dẫn DN vừa và nhỏ xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động tối thiểu, phù hợp với quy mô và lĩnh vực sản xuất. Cùng đó yêu cầu DN quan tâm đầu tư vào cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ lao động.

Quản lý chặt các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước

Đại biểu Nguyễn Thế Toản, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Tân Yên nêu: Hiện nay có 56 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế.

 Đại biểu Nguyễn Thế Toản chất vấn tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thế Toản chất vấn tại hội trường.

Trong đó có nhiều dự án khai thác khoáng sản lấy đất san lấp do tỉnh tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2020, 2021 nhưng đến nay chưa hoàn thành các thủ tục để thực hiện dự án.

Về nội dung này, bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, qua rà soát có 57 dự án khai thác khoáng sản (đất san lấp) đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó có 22 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế.

Mặc dù đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên hầu hết các dự án đều chưa đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xã.

Đặc biệt là các dự án đấu giá giai đoạn 2020-2022, một số mỏ phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng nhưng lại bị sai lệch về phạm vi khoanh vùng, tô màu trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

 Các đại biểu theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Các đại biểu theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Đối với 22 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chủ dự án đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế, đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án; còn lại 11 dự án chưa chấp thuận đầu tư.

Trong đó có 5 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án, 6 dự án đã nộp hồ sơ và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Đại biểu Tạ Quang Khải, Tổ đại biểu HĐND khu vực huyện Yên Dũng nêu: Năm 2024 một số huyện đã lập, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị. Theo đó đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và sau khi nộp hồ sơ để Sở Xây dựng thẩm định làm cơ sở phê duyệt triển khai thực hiện dự án thì bị trả lại hồ sơ với lý do là chờ hướng dẫn cấp trên.

 Đại biểu Tạ Quang Khải.

Đại biểu Tạ Quang Khải.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong năm 2024, có 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sử dụng vốn đầu tư công được Sở Xây dựng thẩm định, đủ điều kiện triển khai các bước tiếp theo. 4 dự án đã trình nhưng không đủ điều kiện phê duyệt với các lý do như: Dự án không đầu tư xây dựng hạng mục cấp điện chiếu sáng; hồ sơ không đầy đủ nội dung, chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt; chưa phù hợp với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt…

Để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thị xã, TP rà soát, nghiên cứu, thống nhất giải pháp tháo gỡ và triển khai thực hiện. Sở Xây dựng đã tổng hợp kết quả và có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Buổi chiều 11/12, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết; bế mạc kỳ họp.

Báo Bắc Giang tiếp tục cập nhật thông tin về kỳ họp.

Nhóm PV Xây dựng Đảng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ky-hop-thu-22-hdnd-tinh-chat-van-3-nhom-van-de-dai-bieu-cu-tri-quan-tam-124012-postid409212.bbg
Zalo