Kỳ họp thể hiện quyết tâm đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các quyết định của Quốc hội tại Kỳ họp đều có tác động mạnh mẽ, mang tính chất thời đại, dài hơi và chiến lược; thể hiện quyết tâm đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như thể hiện trách nhiệm, khí thế của Quốc hội hòa chung vào dòng chảy của đất nước, của dân tộc.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):Các quyết định tại Kỳ họp thứ Tám có tác động mang tính chất thời đại, dài hơi, chiến lược

Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng với khối lượng công việc lớn. Đây cũng là Kỳ họp nằm trong sự vận động chung của hệ thống chính trị, đó là yêu cầu thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy đúng như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là triển khai công việc theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “không có thời điểm quá độ”, “chúng ta quyết làm, gắn giữa chủ trương, hành động và sản phẩm”. Kỳ họp tăng trách nhiệm của Quốc hội trước yêu cầu của Đảng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ nhiều về số lượng, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đều được bảo đảm về quy trình, chất lượng, được các đại biểu Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao, với mục tiêu cao nhất là tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư là tạo nguồn lực để đất nước vươn mình sang kỷ nguyên phát triển mới. Như vậy, Kỳ họp thứ Tám còn thể hiện quyết tâm, trách nhiệm, khí thế của Quốc hội hòa chung vào dòng chảy của đất nước, của dân tộc.

Kỳ họp để lại dấu ấn lớn đó là việc thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là quyết định mang tính chất thời đại, vì quy mô lớn, đầu tư lớn… nhằm mục tiêu vươn mình trở thành đất nước phát triển. Như vậy, nếu điểm lại từ lập pháp đến giám sát, có thể thấy, các quyết định tại Kỳ họp thứ Tám có tác động mang tính chất thời đại, dài hơi, chiến lược.

Một vấn đề rất quan trọng là phải đưa pháp luật vào cuộc sống, các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này đã thực hiện tinh thần đổi mới là chỉ quy định những nội dung thực sự “chín”, đã rõ ràng vào luật, không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền Chính phủ. Điều này có nghĩa là, ngay sau Kỳ họp thứ Tám, đang có một khối lượng lớn công việc chờ đợi Chính phủ, các bộ, ngành bắt tay thực hiện. Cụ thể như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Nhiều nội dung Quốc hội cho phép thí điểm nên khối lượng công việc Chính phủ phải làm rất lớn, yêu cầu phải có nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Những gì cần tháo gỡ, khơi thông Quốc hội đã nhìn nhận và tạo điều kiện để Chính phủ làm. Nếu Chính phủ không có sự đầu tư bài bản, thì những chủ trương lớn, tinh thần lớn khó đi vào cuộc sống.

Cũng trên cơ sở Kỳ họp này, với tinh thần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, xây dựng thể chế, tôi cho rằng, chúng ta phải định hình, xem xét vấn đề nào ưu tiên làm trước, vấn đề nào làm sau; phân định luật nào tiếp tục sửa, luật nào tiếp tục điều chỉnh.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang): Tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật thẩm thấu vào từng hoạt động

Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp kỷ lục về khối lượng nội dung đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định và cũng để lại nhiều cảm xúc. Nhiều dự án luật, nghị quyết được bổ sung mới vào chương trình và được thảo luận ngay, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ thực hiện chủ trương của Đảng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Để hoàn thành chương trình kỳ họp thì điều quan trọng nhất là sự đồng lòng quyết tâm giữa Quốc hội và Chính phủ, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức năng. Đó cũng là kết quả của tinh thần làm việc khoa học, hiệu quả của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan liên quan. Nhiều phiên họp của Quốc hội diễn ra trong ngày nghỉ; phòng họp của nhiều Ủy ban luôn sáng đèn đến tối muộn để bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.

Tại Kỳ họp thứ Tám này, bên cạnh rất nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận và thông qua, tôi đặc biệt ấn tượng với quyết nghị của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Dự án này đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến từ 14 năm trước, nhưng vì khi đó nước ta chưa có đủ điều kiện nên Quốc hội đã giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. Ngày nay, khi mọi điều kiện đã chín muồi, ý Đảng, lòng dân cùng hội tụ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án này – một dự án giao thông quan trọng, như huyết mạch giúp phát triển kinh tế với công nghệ hiện đại chưa có tiền lệ ở nước ta. Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng là một dự án mang tầm chiến lược, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn tạo động lực cho các ngành khác phát triển (như du lịch, dịch vụ…) và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nước ta. Dự án này cũng đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại của đất nước vì gắn liền với công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, đặc biệt là trong quản lý kinh tế số ngành đường sắt.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp và thư của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi đến mỗi đại biểu Quốc hội đã nêu bật yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật. Tinh thần này đã thẩm thấu vào các hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các luật được Quốc hội thông qua đều đưa ra những quy định mang tính phổ quát, có tính nguyên tắc và là những vấn đề đã chín, có giá trị lâu dài; kiên quyết không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ ngành. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.

Tôi tin tưởng, tinh thần đổi mới này sẽ không chỉ dừng lại ở khâu xây dựng pháp luật, ở Quốc hội, mà sẽ là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Quốc hội, Chính phủ đến các cơ quan của Quốc hội và các bộ ngành, địa phương. Qua đó, bảo đảm hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được ban hành sớm và có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực thi hành, giúp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tháo gỡ những điểm “nghẽn” về thể chế và tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội và nền kinh tế.

Như vậy, Kỳ họp thứ Tám không chỉ là kỳ họp có khối lượng công việc kỷ lục, có nhiều quyết nghị quan trọng mà còn phản ánh sinh động quyết tâm đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương):Tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật được thực hiện rất mạnh mẽ

Kỳ họp thứ Tám diễn ra trong thời gian dài với khối lượng công việc lập pháp rất lớn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Điều tôi ấn tượng nhất là tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật được thực hiện rất mạnh mẽ theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Theo đó, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nghiên cứu một cách thận trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; giải phóng nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nội dung liên quan đến chính sách thuế, đầu tư, quy hoạch, ngân sách nhà nước đã được sửa đổi để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình, dự án mang tính biểu tượng như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương... Tinh thần Kỳ họp cũng rất khẩn trương, nghiêm túc, vừa nghiên cứu vừa thận trọng nhưng không để đánh mất cơ hội cho sự phát triển của đất nước. Qua đó cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để kịp thời ban hành các quyết sách, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ quan điểm đổi mới công tác lập pháp, làm sao để phân cấp phân quyền mạnh mẽ, đặc biệt là đối với chính quyền địa phương để thúc đẩy xã hội phát triển. Các luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này đã dần đáp ứng được yêu cầu đó, chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, tiêu chí và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành quy định chi tiết theo thẩm quyền. Bởi, đặc trưng của quản lý nhà nước là phải thích ứng với sự thay đổi, phải linh hoạt, năng động, khi tình hình thực tiễn có những biến động thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể ứng biến kịp thời. Theo tôi, mục tiêu hướng đến cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Hoàng Ngọc – Thanh Hải – Minh Trang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-hop-the-hien-quyet-tam-doi-moi-hoan-thien-he-thong-phap-luat-cua-quoc-hoi-post398063.html
Zalo