'Kỳ họp có nội dung rất khó nhưng vì sự phát triển của đất nước'
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nội dung rất quan trọng, rất khó nhưng vì sự phát triển của đất nước.
Sáng ngày 6/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 12/2 và bế mạc vào ngày 18/2/2025. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Hầu hết các nội dung trình Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 42, tháng 2/2025; một số nội dung còn lại căn cứ tiến độ gửi hồ sơ và việc thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp khác trước ngày khai mạc kỳ họp bất thường để cho ý kiến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu; đồng thời chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội. Từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách; nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, đề án, tài liệu liên quan; đảm bảo chất lượng và tiến độ trình Quốc hội quyết nghị tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Đến sáng 5/2, Chính phủ đã hoàn thiện 8/10 hồ sơ, tài liệu gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn 2/10 hồ sơ đang được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thể hiện tinh thần có việc làm, có vấn đề thì phải giải quyết; và đã làm, giải quyết phải đến cùng, có hiệu quả. Các kỳ họp bất thường trước đó đều phù hợp với thực tiễn, giải quyết được vấn đề của thực tiễn và giải quyết được nguyện vọng của nhân dân. “Mục tiêu lần này của Đảng đặt ra, chúng ta tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18, đây là một cuộc cách mạng về bộ máy. Bộ máy tinh gọn hơn, con người chất lượng hơn,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương, Bộ Chính trị đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu đã đặt ra. Cụ thể, 4 năm vừa qua và trong năm nay, các chỉ tiêu đặt ra có đạt được hay không. Những chỉ tiêu nào chưa đạt được thì phải có giải pháp để đạt được, những chỉ tiêu nào đã đạt được rồi thì phải nâng cao chất lượng hiệu quả.
Theo Thủ tướng, trong các chỉ tiêu, việc thực hiện khó nhất là chỉ tiêu tăng trưởng và để đạt được mục tiêu 8% trở lên trong năm 2025 cần phải dành công sức cho một trong ba đột phá chiến lược, đó là đột phá về thể chế. Vì vậy, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội cần tiếp tục phối hợp thật tốt, hiệu quả, nguyên tắc xây dựng luật pháp với tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa; biết đến đâu, quản đến đó. Đi đôi với việc việc phân cấp, phân quyền thì phải phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát kiểm tra, giảm thủ tục hành chính, bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian từ nay tới khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 không còn nhiều. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan làm việc trên tinh thần khẩn trương, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tăng cường làm thêm giờ, cả thứ Bảy, Chủ Nhật để hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp.
Liên quan đến các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời phải phù hợp với tinh thần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Với những vấn đề vượt quá luật định cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Nhấn mạnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nội dung rất quan trọng, rất khó nhưng vì sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bên liên quan cần tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị toàn bộ nội dung trình Quốc hội cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối.