Kỳ cuối: Cứ ngỡ thoát tội, nhưng bị phát hiện trên… truyền hình!

Khi nhắc đến David Friedland, nhiều người Mỹ hiện vẫn chưa quên những trò lố bịch của thượng nghị sĩ Viện Lập pháp bang New Jersey diễn ra vào thập niên 1980, nhất là vụ ông này giả chết đuối để né án phạt tù về tội lừa đảo và đưa hối lộ, nhưng 2 năm sau đã bị bắt lại vì xuất hiện trong… quảng cáo trên sóng truyền hình!

Kẻ tráo trở

Năm 1964, tức chỉ 3 năm sau khi được nhận vào đoàn luật sư (LS), David Friedland, khi đó mới 27 tuổi, đã thay mặt 2 vị chủ tịch của 2 Công đoàn công nhân giặt ủi và công nhân sản xuất hộp giấy trong vụ kiện chống lại điều khoản về việc mỗi quận trong tiểu bang New Jersey chỉ có 1 đại diện ở Thượng viện Lập pháp, đòi bổ sung hệ số điều chỉnh theo dân số. Vụ kiện này đã đưa Friedland vào con đường hoạt động chính trị. Năm 1966, Friedland được bầu vào Hạ viện và năm 1977 tiến vào Thượng viện.

Mặc dù vậy, năm 1980 ông đã từ chức để tập trung kháng án sau khi ông và cha mình - cũng là LS - bị phán quyết có tội vì vai trò của họ trong việc nhận hối lộ 360.000 đôla để sắp xếp khoản vay 4 triệu đôla từ một quỹ hưu trí cho các công ty do Barry S. Marlin - LS sau này bị kết tội lừa đảo 43 triệu đôla trong nhiều âm mưu khác nhau - kiểm soát. Để tránh phải đi tù, Friedland chấp nhận hợp tác với cơ quan công tố để ghi lại các cuộc trao đổi phi pháp của những đồng nghiệp cũ và được đưa vào danh sách nhân chứng do liên bang bảo vệ.

Cũng chính trong thời gian này, Friedland bắt đầu làm việc với 1 công ty thế chấp ở Fort Lauderdale, bang Florida do 1 cựu nghị sĩ bang New Jersey làm chủ. Tại đây, Friedland lại tham gia vào vụ lừa đảo quỹ hưu trí khác mà về sau, vị nghị sĩ này bị kết án 8 năm tù, còn Friedland cũng bị truy tố với tư cách đồng phạm. Kết hợp cả vụ án cũ lẫn mới, đứng trước nguy cơ sẽ phải lãnh án tối đa chung thân, Friedland đã biến mất trong khi chờ tuyên án vì nhận hối lộ từ quỹ hưu trí của Liên đoàn Anh em tài xế quốc tế.

Đầu tháng 09/1985, Cảnh sát biển Mỹ nhận được cuộc gọi từ chiếc thuyền ngoài khơi Đảo lớn Bahama - hòn đảo cực Bắc của quần đảo Bahama - báo cáo rằng Friedland đã không nổi lên trong khi lặn biển cùng người bạn cách Đảo lớn Bahama 12 dặm. Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn trên không lẫn trên biển đã không tìm thấy thi thể của ông ta.

David Friedland

David Friedland

Ngay từ đầu các nhà điều tra đã không tin David Friedland chết đuối. Phía Mỹ đã gửi cho Interpol mọi thông tin cần thiết về việc Friedland bỏ trốn với hộ chiếu giả mang cái tên Hy Lạp Ionnis Stogios, tuy nhiên không hiểu sao đó không phải là lệnh truy nã đỏ. Đây là con đường mất nhiều thời gian và như chính các điều tra viên thừa nhận "hắn luôn nhanh chân hơn chúng tôi".

Chấm dứt trò chơi "trốn tìm"

Mặc dù vậy, các điều tra viên đã nắm được điểm yếu quan trọng của Friedland: Luôn thích những gì tốt nhất: Ăn ở những nhà hàng sang trọng nhất và ở tại những khách sạn tốt nhất, du lịch khắp thế giới, trượt tuyết và lặn biển ở bất cứ nơi nào có nhiều hoạt động nhất. Chính vì vậy, trong những tháng đầu tiên sau khi bỏ trốn, Friedland suýt bị bắt 2 lần.

Tháng 12/1985, phía Mỹ biết rằng ít nhất là từ 1 tháng trước, Friedland đã trú tại khách sạn George V ở Paris - nơi giá phòng gần 300 đôla một đêm. Thông qua Interpol, Mỹ yêu cầu Pháp hỗ trợ, nhưng cảnh sát nước này phản hồi chậm do chưa có lệnh truy nã đỏ. Friedland đã trả phòng một ngày trước khi họ đến.

Khoảng 1 tháng sau, dấu vết của Friedland lại tiếp tục được phát hiện ở Đông Phi thông qua việc sử dụng thẻ ngân hàng. Lúc đó, Friedland đang trú tại khách sạn Norfolk ở Nairobi và nghĩ đến việc định cư tại Kenya để mở doanh nghiệp săn bắn của riêng mình. Được phía Mỹ cảnh báo qua Interpol, Cảnh sát Kenya đã có mặt tại khách sạn chờ bắt Friedland đang đi săn trở về, nhưng hắn đã kịp quay xe biến mất.

Táo tợn hơn, cuối tháng 3/1986 Friedland mời phóng viên David Hardy của tờ New York Daily News đến ở cùng mình 1 tuần tại ngôi nhà gỗ cho thuê trên dãy núi Alps của Pháp. Cuộc gặp diễn ra ở nơi lý tưởng để thoát hiểm: Friedland có thể trượt tuyết vào Thụy Sĩ nếu cảnh sát đến quá gần, trong khi nước Ý chỉ cách đó 1 chuyến ngồi thuyền gondola.

Sau lần gặp phóng viên, Friedland - dưới cái tên giả Harley Richard Smith - cùng người tình đã dọn đồ đạc và hướng đến hòn đảo nhỏ Bandos của quần đảo Maldives ở phía nam Ấn Độ Dương. Friedland lập và điều hành chuỗi 5 doanh nghiệp lặn biển cho du khách. Không bỏ được thói quen cố hữu, Friedland tiếp tục sống xa hoa, thích quảng cáo bằng cách cho cá mập ăn trên lòng bàn tay mình để du khách xem - trò mạo hiểm này đã được chụp ảnh để làm bưu thiếp quảng cáo - và sau đó xuất hiện trên truyền hình Maldives vào tháng 12/1986.

Thói khoa trương của Friedland đã làm hại ông ta. Khi Cảnh sát Maldives kiểm tra hộ chiếu của Friedland và phát hiện dù đã ra vào Maldives 7 lần nhưng trên hộ chiếu không có dấu xuất nhập cảnh của bất kỳ quốc gia nào khác. Vậy là Friedland phải có ít nhất 1 hộ chiếu khác. Qua kênh Interpol, thông tin này tới được phía Mỹ.

Và lần này, David Friedland - kẻ đứng đầu trong số 10 cái tên bị Mỹ truy nã gắt gao nhất thời điểm đó - bị bắt đưa về nước. Mặc dù David Friedland tuyên bố "đã mệt và muốn chấm dứt trò chơi trốn tìm", nhưng trên thực tế trước đó ông ta đã yêu cầu phía Maldives và Đại sứ quán Libya cho mình tị nạn với lý do đã trở thành người Hồi giáo.

Tháng 12/1987, ngay sau khi Friedland bị đưa về Mỹ, tòa án tuyên bố bị cáo phải thi hành trọn vẹn (không được giảm hoặc ân xá) bản án 7 năm tù về tội lừa đảo trước đây. Qua năm 1988, Friedland bị tuyên thêm 15 năm tù, nhưng nhờ những thông tin mà ông ta cung cấp dẫn đến một số vụ bắt giữ và tịch thu ma túy vào năm 1990 nên chỉ phải ở tù tổng cộng 9 năm cho cả hai bản án.

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-cu-ngo-thoat-toi-nhung-bi-phat-hien-tren-truyen-hinh_167530.html
Zalo