Kỳ công xử lý cát sạch đưa về công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Cát lẫn nhiều tạp chất không thể dùng để thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp nhưng nhà thầu vẫn nỗ lực xử lý nhằm đảm bảo có đủ số lượng cát thi công trong ngày để hoàn thành gia tải vào cuối năm nay.
Cát lẫn nhiều tạp chất
Anh Phạm Thành Nam, cán bộ quản lý mỏ cát, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C cho biết, mỏ cát tại khu vực trên sông Tiền, thuộc 2 xã An Hiệp và An Nhơn, huyện Châu Thành là mỏ cát thứ 3 trong số 4 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp cho nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đoạn qua địa bàn.
Mỏ cát có diện tích 18,02ha, tổng trữ lượng khoảng là 674.953m3. Trong đó, trữ lượng cát san lấp được phép khai thác là 420.000m3. Thời hạn khai thác mỏ cát 6 tháng (tính từ tháng 8/2024 đến tháng 2/2025), thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.
Mỏ cát được phép khai thác đến độ sâu âm 17m. Thời gian công nhân làm việc từ 7h - 17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm. Công suất khai thác cát không vượt quá 2.570m3/ngày và không vượt quá 77.100m3/tháng.
Tuy nhiên, số lượng cát mỗi ngày nhà thầu có được chỉ 1.100m3 cát/ngày. Nguyên nhân là do mỏ cát này có tới 62% tạp chất và cát bị lẫn sình, bùn. Hiện tại, tổng số lượng cát nhà thầu khai thác được tại mỏ cát này là 75.272m3 cát, tất cả được đưa về phục vụ thi công cao tốc.
"Việc thi công cao tốc, mọi tiêu chí đều phải tuân thủ theo đúng quy định, do vậy, với mỏ cát có nhiều tạp chất như mỏ cát này, nhà thầu phải thực hiện thêm công đoạn xử lý, cát đảm bảo đạt tiêu chuẩn mới được cho bơm lên công trường", anh Nam cho biết thêm.
Nhà thầu kỳ công xử lý
Việc xử lý tạp chất được nhà thầu chủ động thực hiện nhằm đảm bảo mỗi ngày có đủ 11.700m3 cát phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp sau khi 4 mỏ cát được khai thác.
Theo đó, để xử lý tạp chất, tại mỏ cát, nhà thầu bố trí 2 xáng cạp (dung tích gầu 3,5m3), công nhân trực tiếp khai thác cát và đưa lên sà lan. Tiếp đến, sà lan được đổ đầy cát, nhà thầu cho chạy đưa về công trường.
Tại đây, cát trước khi được bơm lên công trường, nhà thầu bố trí một bộ phận khoảng 10 người thực hiện công đoạn xả tràn. Cụ thể, trên mỗi sà lan chở cát đều có những lỗ khoan dùng để thoát nước.
Nhà thầu bơm nước lên sà lan đang chở cát cho tràn khoang. Từ đây, tạp chất gồm sình, bùn sẽ theo những lỗ khoang tràn ra ngoài, cát được lắng lại dưới đáy sà lan.
Công đoạn xả tràn cho đến khi nào bằng mắt thường nhìn thấy được những hạt cát thì nhà thầu cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra. Kiểm tra cát đảm bảo đúng chất lượng mới được cho bơm lên công trường, phục vụ thi công cao tốc theo quy định.
"Theo tính toán, việc xả tràn như vậy, chi phí phát sinh thêm 30% so với việc khai thác mỏ cát bình thường.
Tuy nhiên, do tính chất công việc gấp rút, nhà thầu thực hiện thêm công đoạn này với mục đích đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp", đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C thông tin.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh tiến độ thi công đến thời điểm này đạt khoảng 45%.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.