Kỳ 4: Cuộc tranh chấp quyền thừa kế trong gia tộc 'nhiều đời bền vững'

Cuộc chiến tranh giành tài sản của gia đình tỷ phú Indonesia gốc Hoa Eka Tjipta Widjaja từng gây xôn xao dư luận quốc gia Đông Nam Á này, khi một trong những con trai ngoài giá thú của người sáng lập ra Sinar Mas - tập đoàn lừng danh hàng đầu Indonesia trong nhiều lĩnh vực kinh doanh - nộp đơn kiện lên tòa án đòi quyền thừa kế với 5 anh chị cùng cha khác mẹ.

Ông Eka Widjaja sinh ra tại TP. Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc năm 1921, từ nhỏ đã cùng gia đình di cư đến đảo Sulawesi của Indonesia, mưu sinh bằng việc bán bánh quy trên chiếc xe đạp kéo trước khi trở thành tiểu thương buôn bán dầu cọ ở Makassar. Kiên trì và nhẫn nại, ông đã thành lập thương hiệu Sinar Mas sau 17 năm, giành được quyền cung cấp hàng cho một đơn vị quân đội ở địa phương. Chính sách ủng hộ doanh nhân gốc Hoa nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước của người nắm quyền Indonesia khi ấy - Tướng Suharto vào giữa thập niên 60 của thế kỷ XX đã giúp các công ty của ông Eka Widjaja phát triển vượt bậc.

Năm 1972, ông thành lập nhà máy sản xuất Natri Bicarbonate, tiền thân của Tjiwi Kimia - công ty giấy đầu tiên thuộc Sinar Mas. Cùng năm đó, ông mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với Duta Pertiwi, công ty con của Bumi Serpong Damai - một trong những công ty bất động sản lớn của Indonesia. Sự mở rộng quy mô của Sinar Mas suốt thời gian dài chỉ bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998.

Theo thời gian, Sinar Mas trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Indonesia, có hàng trăm ngàn nhân viên và sở hữu một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn của thế giới - Golden Agri-Resources và APP - nằm trong số công ty sản xuất giấy thuộc top đầu toàn cầu. Với hơn 15 công ty tại Indonesia và Singapore, danh mục đầu tư của Sinar Mas trải rộng từ bất động sản, năng lượng đến dịch vụ tài chính, viễn thông. Năm 2012, Sinar Mas đã trở thành một trong những tập đoàn gia đình đầu tiên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số.

Các thành viên thế hệ thứ 3 của gia tộc Widjaja

Các thành viên thế hệ thứ 3 của gia tộc Widjaja

Hoạt động kinh doanh dầu cọ khởi sắc đã giúp Widjaja sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ USD (tính đến tháng 01/2019), tạo ra một đế chế kinh doanh mang đến sự giàu có cho 3 thế hệ, đồng thời trở thành người đứng đầu của một trong những gia tộc quyền lực nhất quốc gia Đông Nam Á này.

Ngoài kinh doanh, vấn đề phân chia tài sản trong gia tộc Widjaja cũng khiến dư luận quốc gia vạn đảo này xôn xao, khi ông Eka Widjaja từng bị cáo buộc phân biệt đối xử với các con của hai người vợ. Do Freddy Widjaja là con ngoài giá thú của nhà tài phiệt quá cố và bà Lidia Herawati - hai người chỉ kết hôn theo nghi thức truyền thống mà không đăng ký theo luật, vì thế Freddy không được nắm giữ bất kỳ cổ phần nào thuộc Tập đoàn Sinar Mas nên đã gửi đơn kiện. Theo tài liệu của tòa án, Freddy đang muốn giành được cổ phần trong các công ty thuộc sở hữu của tập đoàn với giá trị khoảng 659 nghìn tỷ rupiah (45,8 tỷ USD thời điểm năm 2019). Mặc dù vậy, đại diện Tập đoàn Sinar Mas cho rằng những yêu cầu trên là vô căn cứ và một người con "ngoài giá thú” như Freddy Widjaja không có quyền thừa kế bất cứ tài sản nào của gia tộc này.

NGUYỄN XUÂN (theo Daily Mail)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-cuoc-tranh-chap-quyen-thua-ke-trong-gia-toc-nhieu-doi-ben-vung_176082.html
Zalo